Cây xoan đổ
Đỗ Nguyên lâm
Hẳn bạn đọc còn nhớ giáo Tứ (xin nhắc lại, không phải “giáo Thứ” của ông Nam Cao đâu) một người không bằng cấp, không hề bước chân ra khỏi cái làng có tên nôm là làng Mẹt, lại được coi là “Thám tử tư” của làng.
Lần trước, bạn đọc đã biết chuyện giáo Tứ điều tra (theo cách riêng của mình) về vụ hoả thiêu chuồng lợn và đã tìm ra thủ phạm một cách tài tình. Bây giờ, bạn đọc lại được chứng kiến giáo Tứ không chỉ là một thám tử tư tài ba, mà còn là một quan toà xử kiện rất độc đáo và hiệu quả.
Câu chuyện bắt đầu từ một vấn đề rất muôn thuở ở các làng quê: Cái hàng rào và ông hàng xóm.
Không hiểu có phải vì làng Mẹt ở gần chân đê, mà hay có những cơn lốc giật nửa đêm về sáng? Chỉ biết vào một buổi sáng tháng 8 vừa rồi, sau khi tỉnh dậy, dân làng chứng kiến một cảnh tượng thật não ruột não lòng. Cây cối đổ ngổn ngang, đường làng đầy lá rụng. Cái hàng rào nhà Bảy Vếu đổ rạp. Trớ trêu ở chỗ không phải tại gió lốc, mà tại cây xoan nhà Chín Kèo hàng xóm đổ sang. Bởi thế mới bảnh mắt ra, Bảy Vếu đã đứng trước cái cổng tre nhà mình, tuyên bố một câu xanh rờn rằng, chẳng cần dựng giả hàng rào gì sất, cứ xoan ở phần đất của ai, người đó hưởng lợi.
Vậy là sinh ra cãi nhau. Nhà Kèo cãi rằng, tại ông giời làm đổ cây, có kiện thì kiện ông giời. Cây xoan nhà tôi, vẫn là của nhà tôi. Còn nếu vì cây xoan đổ thì dựng giả cái hàng rào, là xong. Nhà Vếu nhất định không chịu. Lý do là năm ngoái, cây ổi ở vườn nhà Bảy Vếu chìa cành sang vườn nhà Chín Kèo, có quả ổi nào ngon, Chín Kèo vặt ráo cả.
Chuyện cây xoan đổ căng thẳng đến mức, Bảy Vếu vác dao để…chặt cây xoan. Lúc này Chín Kèo vội vã sang cầu cứu giáo Tứ.
Qua lời Chín Kèo, giáo Tứ đã hình dung cái chuyện bé này rất dễ xé ra to, nên vội vàng theo “khổ chủ” đến hiện trường. Mặc dù đổ sang vườn Bảy Vếu chỉ là phần ngọn cây xoan, nhưng phần ngọn này lại có nhiều cành. Có những cành to, xẻ ra làm được khối việc. Tóm lại là cũng có giá. Bởi thế, Bảy Vếu mới nẩy lòng tham.
Sau khi đứng quan sát từ xa, giáo Tứ quyết định men theo hàng rào, đến chỗ cây xoan đổ. Ngó sang phía vườn Bảy Vếu, giáo Tứ chợt thấy có vật gì động đậy chỗ ngọn xoan. Định thần nhìn kỹ, giáo Tứ nhận ra có đến ba, bốn con lợn choai (như kiểu lợn rừng, lợn mán) đang hì hục dũi chỗ đất ướt. Nghe tiếng động, lũ lợn chui ngay vào đám lá rậm. Giáo Tứ chợt nghĩ ra một mẹo…
– Ông giáo à, tôi phải nói ngay với ông, là cái lão Bảy Vếu nó tham lam, nó nhỏ mọn. Tôi sống bao nhiêu năm bên cạnh cái lão này…
– Tôi biết rồi. Bây giờ ông nghe tôi, thuận theo điều tôi xử, ắt là đâu vào đấy.
– Thế có nghĩa là tôi…mất cái phần ngọn cây xoan? Giời ạ! Cây xoan tôi trồng, là định để khi làm nhà cho cháu…
– Khổ lắm! Đã nói đâu sẽ vào đấy, miễn là ông thuận theo cách của tôi.
– Thì tôi thuận.
Giáo Tứ ghé vào tai Chín Kèo. Không biết nói gì, chỉ thấy đầu Chín gật lia lịa. Giáo Tứ ra hiệu cho Chín Kèo lui vào trong ngõ, rồi thong thả mở cổng nhà Bảy Vếu. Bất ngờ lão Bảy lăm lăm con dao chạy ra.
– Ông giáo! Phiền ông xử cho tôi cái vụ này. Cứ là của cải trên đất nhà ai, nhà nấy hưởng. Cái ngọn xoan là của tôi.
– Lại có luật đó à?
Bảy Vếu nhếch mép:
– Ông thì rành luật quá còn gì. Tôi nói ông nghe, khi cái cành ổi nhà tôi vươn sang vườn nhà lão Chín, có bao nhiêu quả ngon, lão ấy sai con hái sạch. Đó! Thì nay…
– Ông Bảy này! Vậy bây giờ tôi sẽ làm cái văn bản. Hai bên đồng thuận thì ký vào. Như lời ông nói đấy, của cải nằm trên đất nhà ai, thì của nhà đó. Chủ nhân được hưởng.
– Đúng thế chứ?
– Dĩ nhiên! Tôi sẽ vận động lão Chín.
– Ngộ nhỡ lão ấy không nghe thì sao?
– Nhưng tôi sợ, người không nghe, lại chính là…ông.
– Nói lạ!
– Thế đó. Bây giờ tôi hỏi lần cuối, cái ngọn xoan – đang nằm bên vườn nhà ông – là của ông chứ gì?
– Còn sao nữa!
– Đã là của ông, vậy cái ngọn xoan ấy, nó đè chết lợn nhà ông, thì ông bắt đền ai? Bắt đền chính ông à?
– Thôi chết rồi! Đàn lợn 6 con của tôi. Sao tôi lú lẫn thế. Ừ nhỉ! Từ sáng đến giờ quên béng mất đàn lợn. Thế nó bị ngọn xoan đè chết à?
– Nói nhỏ với ông, là vừa nãy ngó xuống chỗ ngọn xoan, tôi thấy…
– Thôi, thôi! Cái ngọn xoan của lão Chín, thì vưỡn là của lão ấy. Còn lợn của tôi mà chết, thì cứ bỏ tiền ra mà đền.
– Có nghĩa là ông thay đổi ý kiến? Tôi thảo văn bản, cả hai cùng ký, nhá!
…Sau khi Chín Kèo và Bảy Vếu cùng ký vào biên bản, cả ba ông kéo nhau ra chỗ ngọn xoan. Hai lão nông và một ông giáo ráng sức nhấc cái ngọn xoan lên. Bất đồ, cả 6 con lợn chạy thục mạng ra tứ phía.
Khi Bảy Vếu hiểu ra cái mẹo của giáo Tứ, thì đã quá muộn.
Thám tử tư VDT St
=========================
VĂN PHÒNG THÁM TỬ TƯ VDT HÀ NỘI
Địa chỉ : Phòng 508, Tòa nhà 133, Ngõ 131, Thái Hà, Quận Đống Đa, Hà Nội
Tel : 04.3537. 5724 Fax: 04.3537. 7332
Hotline : 0913. 031. 525
Website: www.thamtu.com.vn / www.thamtutu.com.vn / www.vietdetective.com
Email : thamtuvdt@gmail.com
———————————————-
CÔNG TY THÁM TỬ TƯ VDT TPHCM
Địa chỉ: B3-6 Chung cư khánh hội 1, 360C Bến vân đồn, Phường 1, Quận 4, Tphcm
Điện thoại : 083. 945. 3448
Website: www.thamtu.com.vn / www.thamtutu.com.vn / www.vietdetective.com
Email : thamtuvdt@gmail.com
——————————————–
DỊCH VỤ THÁM TỬ TƯ VDT ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: Số 52 Ông ích khiêm, Phường thanh bình, Quận hải châu, Thành phố Đà nẵng
Điện thoại: 0511. 268. 1890
Website: www.thamtu.com.vn / www.thamtutu.com.vn / www.vietdetective.com
Email : thamtuvdt@gmail.com