Colin Pitchfork – một thợ nướng bánh mỳ 27 tuổi ở Anh – chiếm vị trí đặc biệt trong biên niên sử của ngành cảnh sát bởi đã bị chính những tế bào của mình buộc tội. Người đàn ông này đã hiếp và giết hai nữ sinh. Tội ác bị phát hiện nhờ xét nghiệm ADN…
Năm 1984, tại Đại học Leicester (Anh), nhà di truyền học Alec Jeffreys đã phát minh ra kỹ thuật nhận diện bằng ADN. Lúc đó, cảnh sát Anh đang điều tra vụ án 2 thiếu nữ bị hiếp dâm và giết chết. Cảnh sát đã lấy máu của hơn 5.000 người đàn ông trong độ tuổi 13-30 sống ở 3 ngôi làng quanh nơi xảy ra án mạng. Sau khi phân tích và đối chiếu, cảnh sát nhận thấy mẫu ADN của anh thợ nướng bánh mỳ Colin Pitchfork giống với mẫu ADN trong tinh dịch thu được từ xác nạn nhân.
Bị kết án tù chung thân, Pitchfork trở thành tội phạm đầu tiên bị bắt nhờ giám định ADN. Kể từ đó, kết quả xét nghiệm ADN đã được chấp nhận là một bằng chứng trước tòa ở nhiều nước trên thế giới và đã giúp ích một cách hữu hiệu cho các cơ quan thi hành pháp luật.
Trái ngược với Pitchfork là trường hợp của Rodney Buckland. ADN đã cứu cậu thanh niên 17 tuổi này. Thoạt đầu, Buckland bị bắt vì bị nghi ngờ dính líu đến một vụ án mạng. Nhưng sau đó cậu đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử được minh oan nhờ ADN.
Tính đến nay, đã có hàng nghìn tên tội phạm bị bắt giữ và kết án nhờ kỹ thuật nhận diện ADN. Cũng đã có nhiều người được giải oan nhờ ADN, mà không ít người trong số đó đã ngồi sau song sắt nhiều năm, thậm chí có người sắp bị đưa lên đoạn đầu đài.
Cũng nhờ xét nghiệm ADN nước bọt trên tem thư mà Cục điều tra liên bang Mỹ đã phát hiện được tiến sĩ toán học Theodore Kaczynski, người từng gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ trong một thời gian dài vì gửi bom thư đến các nhân vật lãnh đạo mà ông không ưa thích.
Không chỉ dừng lại ở đó, ADN còn chạm tay vào cả lịch sử khi lôi ra ánh sáng việc cựu tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đã ngoại tình với cô hầu; giúp xác định được hài cốt của vị Nga hoàng cuối cùng và gia đình ông. ADN cũng từng tham gia vào một vụ scandal nổi tiếng trên chính trường Mỹ: Giúp xác định chủ nhân của “vết bẩn” trên áo cô Monica Lewinsky, khiến cho chủ nhân của nó – cựu tổng thống Bill Clinton – phải công khai thừa nhận đã có quan hệ tình dục với cô thực tập sinh này.
ADN – người bạn tin cậy nhất của khoa học hình sự
ADN (Acid Deoxyribo Nucleic) của mọi sinh vật đều gần giống nhau; sự khác nhau duy nhất giữa các cá thể trong cùng một loài là trình tự các cặp base. Có hàng tỷ cặp base trong ADN của mỗi cá nhân, do đó trình tự base ở mỗi người không giống nhau. Cho nên chẳng thể có người nào giống người nào về cấu trúc di truyền ADN cả, trừ những người sinh đôi cùng trứng. Nhờ đó, ADN trở thành “nhà thám tử” đại tài, một công cụ tiềm năng to lớn chống lại tội ác.
Cấu trúc ADN không thay đổi trong suốt cuộc đời; có thể lấy từ các mô đã bị hủy hoại, bị cháy bỏng nặng, xác thối rữa chôn lâu… Chỉ cần một sợi tóc, một cái lông, một mẩu da, tàn thuốc lá, vết dính nước bọt, chất dịch… là đủ để xét nghiệm ADN.
Trong khoảng 60% các trường hợp phạm tội, hung thủ để lại những dấu vết của ADN. Theo giáo sư về luật hình sự Ronald Allen, Đại học Northwest, ADN đáng tin cậy hơn bất cứ vật chứng nào khác, miễn là ta có trong tay một mẫu tốt và phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn. Nếu các điều kiện ấy có đủ, ADN là bằng chứng không thể chối cãi.
Cục điều tra Liên bang Mỹ là cơ quan đầu tiên hợp nhất hàng triệu mẫu ADN vào một cơ sở dữ liệu. Ngay sau đó, tòa án của nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu lấy mẫu ADN của tất cả nghi phạm các vụ án để thành lập ngân hàng dữ liệu ADN. Ngân hàng này sẽ hỗ trợ cho quá trình điều tra, kể cả các vụ án đã cũ không xác định được nghi phạm nhưng có ADN ở hiện trường (đặc biệt trong các vụ án hiếp dâm mà nghi phạm là kẻ lạ mặt). Điều này làm cho loại bằng chứng ADN càng trở lên “nặng ký”.
Nguyên lý nhận dạng bằng ADN rất đơn giản. Cơ quan điều tra chỉ cần đem mẫu ADN thu được từ những vết tích tại hiện trường so sánh với mẫu ADN dự trữ hoặc với các mẫu nghi ngờ. Mỗi mẫu ADN giống như một biển số đăng ký xe, người ta có thể dựa vào hồ sơ đăng ký để xác nhận chủ nhân của chiếc xe. Cái khác là ADN không thể làm giả được bằng bất cứ cách nào.
ADN cũng gây oan ức
Trong thực tế, xét nghiệm ADN cũng như bất cứ phân tích khoa học nào, đều có phần bất định, không bao giờ chính xác 100% (tỷ lệ sai của kỹ thuật này, trên lý thuyết, là nhỏ hơn một phần nghìn tỷ). Vì vậy, không phải xét nghiệm ADN nào cũng được xem là kết quả cuối cùng và bằng chứng duy nhất để kết tội.
Quả thật, bên cạnh những chiến công ngoạn mục, xét nghiệm ADN cũng từng gây nên những phán quyết sai lầm nghiêm trọng. Năm 2004, Brandon Mayfield, một luật sư hành nghề tại thành phố Portland (Mỹ) bị cảnh sát liên bang bắt giam vì tình nghi là thủ phạm đánh bom trên xe điện ở Madrid (Tây Ban Nha) vài tháng trước đó. Lý do tình nghi rất đơn giản, cảnh sát Mỹ phát hiện ADN của ông trùng hợp với mẫu ADN lấy từ hiện trường ở Madrid. Một chuyên gia pháp y chứng nhận rằng sự trùng hợp là chính xác.
Tuy nhiên, cảnh sát Tây Ban Nha lại cho rằng Brandon không phải là thủ phạm và kết quả so sánh ADN có thể sai. Cảnh sát Tây Ban Nha tiếp tục điều tra và phát hiện một người đàn ông khác có hồ sơ ADN trùng hợp với mẫu ADN lấy từ hiện trường. Qua thẩm vấn, người này đã thú nhận là thủ phạm. Cảnh sát Mỹ thừa nhận sai lầm và Brandon được trả tự do.
Brandon Mayfield không phải là trường hợp duy nhất. Khi phân tích 86 trường hợp bị hàm oan ở Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện có 54 trường hợp (tức 63%) bị oan do sai lầm từ xét nghiệm ADN. Sai lầm thường xảy ra ở kỹ thuật và những điều kiện của phòng xét nghiệm.
Cũng còn một số phiền phức xung quanh việc nhận dạng tội phạm bằng ADN bởi nó liên quan đến mặt đạo đức, đụng chạm đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Chẳng hạn, trong trường hợp nhiều người bị tình nghi nhưng cảnh sát không có bằng chứng là họ có liên quan đến vụ án thì có quyền lấy mẫu và xét nghiệm ADN của tất cả không? Đây là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều và chưa hoàn toàn thống nhất trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.
Có lẽ câu hỏi trên sẽ không phải đặt ra nếu ADN của mọi người đều có sẵn trong hồ sơ. Mới đây, một sĩ quan hàng đầu của cảnh sát Anh đã đề xuất thực hiện phương án này, nhưng bị phản đối vì không ai có thể chắc chắn rằng hồ sơ ADN cá nhân không bị lạm dụng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)