Cái bẫy
Actua Pôtgié
Suốt mấy ngày nay, viên thiếu úy Moócli thường thức dậy rất sớm ngay sau khi mặt trời vừa mọc, lê tấm thân nặng nề, bệnh hoạn từ giường ra chiếc ghế bành có bánh xe lăn ngay sát đó. Ngồi ngay sát cửa sổ, ông ta có thể quan sát cách Hêrinh bò ngang qua nhà ra dòng suối.
Cái tên do ông nghĩ cho con rắn theo ông thấy là vô cùng thích hợp vì nó là một con rắn đốm hoa to mập, rực rỡ và nguy hiểm. Giống như tất cả những loài thú hoang dại khác, nó có một địa phận và những thói quen của mình. Già cỗi và hết sức thông minh, với một thân hình dài gần năm pút và chiều ngang cỡ cổ tay người, nó học được cách lẩn tránh con người rất tài tình. Nếu cần phải bò ngang trang trại thì nó luôn luôn tìm được một hướng mà ít khi gặp người nhất. Nó không hề nghi ngờ rằng có một kẻ đang quan sát nó từ phía bên trên với một vẻ hài lòng kín đáo. Con rắn cần nước. Đó là những năm nắng hạn, nhiều con thú hoang dại chỉ vì nước mà phải mon men đến gần vườn cây, trang trại. Còn Hêrinh phải bò gần nhà bởi vì cửa hang của nó và dòng suối có một bụi rậm rạp rất khó bò qua.
– Đúng vào giờ đó, như thường lệ – Buổi sáng hôm ấy, viên thiếu úy lẩm bẩm. Ông ta biết rằng chính xác vào giờ nào và cũng bằng con đường ấy, con rắn sẽ quay trở về… Đó là vào lúc giữa trưa, mà lúc ấy thì nguy hiểm hơn vì giờ ấy sẽ có nhiều khả năng gặp phải người. Nhưng trên cái vùng cây cỏ rậm rạp, trong cái trang trại chỉ có Moócli, cô em gái Gơrêi và thằng em rể đáng ghét Mankôm Lăng thì con rắn chẳng thấy có gì là nguy hiểm. Người đàn bà nếu có thấy con rắn thì chắc sẽ hét ầm lên và bỏ chạy, trong thời gian ấy thì con rắn đã kịp lẩn mất. Còn Lăng thì lúc nào cũng trong trạng thái nửa tỉnh nửa say nên nếu có thấy con rắn thì anh ta sẽ nghĩ đó là một sợi dây thôi. Moócli có rất nhiều nguyên nhân để mà ghét thằng em rể của mình. Một năm trước đây, trong trạng thái ngà ngà như mọi lúc, hắn đã phóng từ quốc lộ vào đường làng, bay vào sân trang trại không thèm giảm ga, và đâm thẳng vào Moócli, ném ông ta sang một bên tới hai chục pút hơn rồi húc đầu vào hàng rào. Nếu những thanh gỗ mà không quá mục thì có lẽ nạn nhân đã không sống sót. Nhưng bây giờ, bị hành hạ bởi những cơn đau và không thể lên xuống thang gác một mình được, viên thiếu uý không hề coi chuyện mình sống sót là một điều may mắn. Trước khi tai nạn xảy ra, ông là một người hoạt động, một thợ săn và thợ câu cá xuất sắc, chuyển sang sống cuộc đời một người tàn tật nằm một chỗ đối với ông ta thật là một cực hình. Còn Lăng, như là điều tất nhiên trong cái thế giới ngược ngạo này, thì chỉ bị trầy trán chút đỉnh, chiếc xe thì tan tành.j
Tội ác đó của hắn ta do rượu chỉ là tội ác cuối cùng và tồi tệ nhất thôi. Khi lấy Gơrêi, hắn đã làm hỏng mọi nước cờ của viên thiếu úy. Cả Moócli và em gái thừa hưởng của cha khá nhiều tiền, nhưng Moócli là một kẻ ham bài bạc, và anh ta đã nướng hết phần của mình vào sòng bạc. Vì thế, ông ta vô cùng hài lòng được sống chung với cô em gái đã ba mươi hai tuổi khó lòng mà kiếm được một tấm chồng. Moócli không tính đến một người thứ ba sẽ bòn rút tiền. Cô em mập tròn quay và chậm chạp khủng khiếp. Ông ta nhận thấy một điều là cô ta rất dễ điều khiển và dự định sẽ sử dụng tiền của cô ta để xây dựng cho gia đình mình. Cho đến khi Lăng xuất hiện. Không biết rằng món của hồi môn và căn nhà có phải là động lực chính của tình yêu của anh ta không. Viên thiếu úy không thể kiểm tra điều ấy một cách chắc chắn, nhưng ông ta vẫn giữ trong đầu mình suy nghĩ ấy. Nhưng ông ta không thể làm gì khác được, khi mà một người đàn ông đàng hoàng muốn lấy Gơrêi và cô ta cảm thấy hạnh phúc thì cô ta chẳng cần đến bất kỳ lời khuyên nào. Thậm chí cô ta còn nghĩ rằng cứu Lăng ra khỏi sự nghiện ngập là sứ mạng của cô ta. Cô ta là một kẻ hy sinh dễ dàng. Những phản đối của Moócli không thể ngăn cản việc Lăng cướp đi một phần lớn gia tài của cô ta nhưng cũng làm chậm lại quá trình ấy. Nhưng cũng vì thế mà Lăng chửi rủa vợ và uống ngày càng nhiều hơn để trừng phạt cô ta. Nhưng Gơrêi luôn bênh vực chồng.
Sau trường hợp rủi ro trên, hãng bảo hiểm trả cho ông ta mỗi tháng hai trăm đô la, nhưng số tiền mà nếu ông ta cần chi tiêu, nếu có thể tính bằng tiền được, thì vượt hơn số đó rất nhiều. Vì vậy, nên ông ta cần phải sống cùng với ai đó. Sống chung một mái nhà với kẻ đã biến ông ta thành tàn tật thì tất nhiên là ông ta không cảm thấy sung sướng chút nào, thậm chí lòng căm ghét trong ông ta ngày càng lớn dần. Ông ta cứ hàng ngày phải chứng kiến cái cảnh Lăng cư xử tồi tệ với cô em gái tội nghiệp, yếu ớt của mình, mà cô ta thì sẵn sàng chịu đựng anh chồng nghiện ngập say xỉn. Hắn ta chỉ biết uống cho say và tiêu tiền của vợ, số tiền mà viên thiếu úy luôn cho rằng mình phải có trách nhiệm với nó, dù đó là phần gia tài của cô em gái.
Trong suốt vài tháng quan sát ấy, trong đầu Moócli đã nảy ra ý định giết người. Và con rắn sẽ là phương pháp để thoát ra khỏi tình trạng này.Nếu như có thể thanh toán được Lăng thì cuộc sống của ông ta lẫn của Gơrêi sẽ dễ chịu hơn một chút. Tất nhiên là ông ta không còn có thể đi săn hay câu cá được nữa, nhưng ông ta vẫn có thể tìm ra một nguồn an ủi nào đó và ông ta vẫn hy vọng rằng may ra thì tâm trạng của Gơrêi cũng sẽ khá hơn chăng vì rằng trông cô ta vẫn còn khá lắm.
Nhưng đối với một con người tàn phế phải nằm dính xuống xe lăn, việc giết một địch thủ mạnh khỏe lại luôn ở cách xa thì thật là cả một vấn đề. Tất nhiên là việc cầm lấy một khẩu súng và cho hắn ta một phát từ khoảng cách cửa sổ là một việc dễ dàng nhưng như thế thì khác nào tự mình chui vào phòng hơi ngạt. Không, vấn đề là ở chỗ phải giết cho được con heo đó mà không hề hấn gì. Chính vì thế mà Hêrinh sẽ cần đến cho ông ta. Vấn đề ở chỗ là sử dụng con rắn vào lúc nào và như thế nào. Moócli đã nghĩ ra một kế hoạch tuyệt vời.
Hôm nay, chính là ngày ấy. Gơrêi đã vào thành phố, Lăng thì tính ở nhà và nếu những tính toán của Moócli là chính xác thì hắn ta sẽ uống đến say mèm ra. Moócli hy vọng rằng Hêrinh có trữ trong người số lượng nọc đủ theo như ông ta cần. Nếu như vậy thì Lăng sẽ chẳng kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Rượu sẽ làm dãn mạch của hắn ta, nọc độc sẽ lan nhanh hơn, cái chết sẽ đến nhanh hơn. Điều ấy là hết sức quan trọng. Viên thiếu úy hoàn toàn không muốn cho hắn còn đủ thời gian bước vào nhà và để lại mảnh giấy nào đó mà ông ta không thể thủ tiêu nó đi được, vì ông ta không thể tự mình đi xuống thang gác.
Gơrêi mang bữa ăn sáng lên cho anh.
– Em đi bây giờ đây, anh thân yêu – cô nói. – Em mang lên nhiều bánh hơn một chút để lỡ anh có muốn uống thêm với cà phê. Nếu anh còn cần gì nữa – cô ngập ngừng thêm vào – Mankôm luôn luôn có nhà, anh hãy gọi anh ấy.
– Mankôm – viên thiếu úy gầm lên cho Lăng cũng nghe thấy – Em chỉ cần đi chưa được một dặm là hắn đã lại đút đầu vào cái chai rồi.
Cô giật mình sợ hãi.
– Em xin anh, đừng nói thế. Anh ấy cũng hết sức buồn phiền vì… vì tất cả những gì đã xảy ra.
– Ha! – Moócli gằn, ông vỗ vỗ vào bàn tay to bè mềm mại của cô – Thôi, đừng có lo lắng cho anh. Em hãy nghỉ ngơi vui vẻ ở thành phố và mua một cái gì đó cho mình.
Sau khi ăn một cách vội vã hơn thường lệ, ông ta lăn chiếc ghế bành ra cửa sổ. Tất nhiên là Lăng đã nằm dài ở đó với chai rượu Uytxki loại ngon trên chiếc ghế xếp và chỉ cách nhà vài mét, dưới bóng cây che cho hắn khỏi ánh mặt trời tháng năm.
Như vậy là khoản đầu tiên của kế hoạch đã thành công, Moócli nhận xét một cách nhẹ nhõm. Nếu như thằng em rể tự dưng lại ngồi uống rượu trong nhà thì kế hoạch của ông ta kể như không thành.
Sau khi uống một vài ngụm rượu lớn, Mankôm ngửa cổ nhìn kẻ tàn tật và hét lên:
– Không ai có quyền ra lệnh cho tôi khi nào được uống và khi nào không – Giọng nói của hắn đã hơi có vẻ nhừa nhựa.
“Hắn thậm chí không thèm ăn gì nữa – viên thiếu úy nhủ thầm một cách nhẹ nhõm – Hắn sẽ đổ sớm”.
Dự đoán của ông chẳng mấy chốc đã được xác nhận. Với khuôn mặt đỏ bừng và hơi thở khò khè, hắn ngả người ra sau ghế, quên hết mọi chuyện trên đời. Khó mà tin được một cái chết dù kinh khủng đến mức nào lại có thể làm cho hắn quay về với hiện thực trước khi trái tim hắn ngừng đập. Dù sao thì Moócli cũng hy vọng vào điều đó.
Một giờ sau thì Hêrinh xuất hiện, bò về phía con suối nhỏ. Viên thiếu úy ngồi bên cửa sổ bên hông đã sẵn sàng. Ông ta trang bị cho mình một cây cần câu dài hai mét với sợi dây câu chắc chắn bằng nylon dài gần hai chục mét. Cuối sợi dây câu là một cái lưới nhỏ. Nó có thể xiết chặt lại theo sợi dây câu, nhưng vẫn có thể mở, và nó phải đủ thoải mái để có thể xiết lại khi ông kéo căng sợi dây câu.
Hêrinh bữa nay có vẻ không được bình thường. Con rắn vĩ đại ngừng lại mấy lần rất bất ngờ, vươn cao cái cổ một cách lo lắng, và nhìn xung quanh. Hai lần nó bỗng phun phì phì giận dữ và cong người lên. Chẳng sao cả, Moócli tự nhủ, mày càng giận dữ thì càng tốt.
Ông phải vận dụng tất cả tài nghệ của mình để đưa được cần câu qua cửa sổ. Ông hoàn toàn không có khả năng cử động một cách tự do nên công việc này tất nhiên là khó khăn hơn việc ném sợi dây câu xuống nước. Ông thả cái lưới xuống ngay trước con vật lấp lánh như một viên kim cương đang nhấc mình lên giận dữ. Cái đuôi con vật đập xuống cong lên làm cả người nó biến thành một vết loang lớn. Đó chính là giây phút mà viên trung úy vẫn chờ đợi. Bằng một cử động lành nghề, ông choàng cái lưới vào cổ con rắn, kéo nó xuống người con rắn khoảng vài phân và xiết thật chặt lại.
Trong cơn điên giận, con rắn cố gắng hết sức chống lại kẻ thù vô hình. Nhưng Moócli không để phí thời gian, ông quấn sợi dây câu lại, nhấc con rắn lên cao. Đó là một công việc hết sức tinh vi. Ông cần phải kéo con rắn lên qua cánh cửa sổ rồi thả nó xuống qua một cánh cửa sổ khác – và cần phải cẩn thận để nó không cắn ông.
Ông lùi ra xa cửa sổ và cẩn thận kéo con vật đang quằn quại lên, lôi nó về hướng cần thiết rồi ném nó xuống một cửa sổ khác. “Anh bạn già này nặng ra phết – ông nghĩ – Có lẽ nó phải nặng đến mười lăm pút”. Lăn xe lại thật gần bệ cửa sổ và giữ chắc cây cần câu – thật may mắn là tay ông ta còn rất khỏe. Moócli thả con vật sáng lấp lánh như kim cương xuống gần chiếc ghế xếp. Ông bỗng ngần ngừ khựng lại hít mạnh không khí. Nếu bỗng như Mankôm tỉnh dậy hoặc xuất hiện một ai đó thì ông sẽ nói rằng đó chỉ là một trò đùa, ông muốn hù dọa chàng trai chứ không bao giờ thả con rắn sát đến mức nó có thể cắn người em rể. Thậm chí cả khi nó đã cắn Lăng, ông nghĩ, ta vẫn có thể nói đó là một trò đùa, nhưng ta đã tính toán sai và thả sợi dây câu hơi dài hơn cần thiết. Ông bỗng nhớ lại giây phút kinh khủng khi ông bị ném vào không gian, sau đó là một tuần lễ khổ sở, và cả thân thể tật nguyền của mình. Bây giờ thì Lăng sẽ phải chịu đựng điều đó nhưng anh ta may mắn hơn là anh ta sẽ không biết gì hết.
Vừa oằn mình lên vừa phun phì phì, con rắn được thả xuống người Lăng. Khi tìm thấy một cái gì cưng cứng dưới mình, con rắn chuyển sang tấn công nhanh như chớp. Con rắn mổ vào cổ, vào mặt Lăng hai ba lần. Dù căm ghét và bản chất vô cùng độc ác, mặt Moócli vẫn tái nhợt đi và tay ông ta run lên. Nhưng Mankôm thì không biết gì cả. Anh ta xua xua tay lên mặt bằng cử động của một người say, dường như anh ta đang xua một con ruồi, rồi chìm vào giấc ngủ. Viên thiếu úy để cho con rắn cắn người em rể thêm một lần nữa. Có lẽ thế là quá đủ. Trông Lăng đã có vẻ hết sức kinh khủng, anh ta co giật nhiều lần cho tới khi nọc độc lan khắp cơ thể. Anh ta chắc chắn là không còn có thể tỉnh lại được nữa.
Bây giờ mới là công việc phức tạp nhất. Viên thiếu úy có một cây gậy dài, ở đầu có buộc một con dao đã mở lưỡi. Ông cần phải nhấc con rắn lên và cắt lưới đúng vào chỗ nó riết qua người. Ông không thể giết Hêrinh được, vì điều đó không thể đổ vấy cho Lăng được. Giá mà Mankôm nhấc người lên một chút và đổ nhào xuống đất thì Moócli có thể giết con rắn và quăng cây gậy gần đó. Nhưng nạn nhân nằm xoãi dài trên ghế, rõ ràng là anh ta không thể giết con rắn được. Nhưng viên thiếu úy không thể nào lôi con rắn ra khỏi lưới được. Thật là một vấn đề nan giải.
Ông từ từ nhấc con rắn lên cửa sổ. Ông ta đành phải tựa cây cần câu vào tay ghế bành, ôm giữ nó bằng một tay, còn tay kia vươn ra với chiếc gậy có con dao. Nhưng con rắn bông quằn người lên bằng cả sức mạnh của mình, cây cần câu cong lại đến mức đầu của nó giật mạnh xuống phía dưới đập vào thành cửa sổ, sợi dây đứt tung và con rắn bị rơi bịch xuống dưới đất. Dưới đất, với sợi dây cước dài cả thước cột xung quanh bụng, con rắn nhanh chóng bò đi mất.
Moócli nhìn theo con rắn một cách kinh hoàng. Nếu có ai đó tìm ra con rắn với sợi dây lưng bằng cước ấy. Nhưng sau đó, ông ta trấn tĩnh lại. Chắc là trong khi bò cọ sát với mặt đất như thế, sợi dây cước sẽ bị đứt, hoặc là Hêrinh cũng sẽ giựt đứt khỏi tấm lưới.
Nhưng dù sao thì ông cũng còn phải nghĩ cách phi tang sợi dây còn lại để không có một sự liên tưởng nào. Tất nhiên là ông không thể nhờ Gơrêi giấu nó đi, cũng không thể ném vào thùng rác để đốt. Sợi nilon sẽ không cháy hết mà chỉ tạo ra một cái mùi khó chịu mà thôi. Không, cần phải để nó lại đây. Sự mạo hiểm sẽ là ít nhất: Herinh và khúc dây nilon kia sẽ không ai nhìn thấy.
Trong toàn bộ kế hoạch chỉ có một điểm yếu, nhưng điều đó thì không thể nào làm khác được. Có một ai đó có thể nghi ngờ rằng con rắn có cắn một người nằm xa mặt đất như vậy không? Nhưng nói chung người nằm cũng không cao lắm, chỗ lưng cao lên của anh ta một con rắn lớn có thể vươn tới. Sự tranh cãi rằng con rắn không thể cắn người không hề trêu chọc gì đến nó không thể nào khẳng định được. Điều quan trọng là cả Gơrêi lẫn Moócli không thể nào bị nghi ngờ, Gơrêi thì ở trong thành phố, còn ông ta thì bị dính xuống giường trên gác. Ý nghĩ về việc sử dụng một cái cần câu phức tạp đến nỗi viên thanh tra sắc sảo nhất chưa chắc đã nghĩ ra.
“Thật tiếc – viên thiếu úy nghĩ – ta không thể nào làm cho Gơrêi bớt đau khổ khi thấy Lăng như vậy. Nhưng nếu ta tự gọi điện và báo cho cảnh sát về cái chết của Moócli thì ta sẽ phải giải thích chuyện xảy ra như thế nào. Ta hoàn toàn không muốn mạo hiểm. Hơn nữa, là từ trên cao này khó xác định người ta sống hay chết. Thôi đành để cho Gơrêi gánh lấy công việc ấy. Không sao, cô ta có một lớp da khá dày. Cô ấy sẽ chịu được điều ấy. Vả lại Mankôm đâu phải là một sự mất mát gì ghê gớm lắm đâu”.
Một tấn kịch khá nặng nề đã diễn ra khi Gơrêi từ thành phố trở về thấy chồng nằm trên chiếc ghế đã chết, mặt mũi sưng phù. Nhưng khuôn mặt hắn ta khá bình thản, rượu làm nhanh chóng con đường đến với cái chết và cũng làm giảm đi mọi đau đớn.
Viên thanh tra được cử đến có vẻ rất nghi ngờ về mọi việc xảy ra.
– Tôi không thể tưởng tượng được tại sao con rắn lại có thể cắn một người đang nằm trên ghế bành không làm phiền đến ai cả… nếu như Lăng không trêu chọc, hoặc ném đá vào người nó. Nhưng còn ở trường hợp này… tôi chịu.
Và khuôn mặt ông ta nghiêm lại.
– Năm nay, khu vực chúng ta ở xuất hiện quá nhiều rắn hổ mang. Sáng ngày kia, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thanh trùng. Tôi nghĩ rằng ông sẽ không phản đối nếu như chúng tôi dọn sạch cả trang trại của ông. Gia đình Lôxơn đã đồng ý, cả Uyênxơn, Khaper cũng vậy.
– Tôi không nghĩ rằng…. Moócli vội vã nói, nhưng Gơrêi đã ngắt lời ông ta.
– Tất nhiên rồi. – Cô nói – Tôi cũng muốn các ông dọn trước khi…. trước khi Mankôm tội nghiệp… – Cô ta lại nức lên.
– Ông vừa định nói gì có phải không? – viên thanh tra nhìn thiếu úy hỏi.
– Tôi chỉ nghĩ rằng có lẽ Gơrêi tội nghiệp không muốn có nhiều người xung quanh kêu la và lùng sục trong các bụi rậm, nhưng… – ông ta nhún vai. Khi họ tìm ra Hêrinh, nếu như tìm ra thì sợi dây có lẽ cũng đã đứt rồi. Trong mọi trường hợp, phản đối một cách quá lộ liễu thì ông ta không dám.
– Thôi, vậy thì chúng ta đã quyết định – viên thanh tra nói – Lúc này, đó là tất cả công việc.
Khi viên thanh tra đã đi khỏi, Moócli có một vẻ mặt suy tư. Nhưng sau đó, điều ấy tan ngay. Rõ ràng là hắn chẳng nghi ngờ gì cả. Tất nhiên là có một vài điều không tự nhiên. Còn chuyện dọn dẹp, tiếc là Gơrêi đồng ý quá nhanh. Thực ra là nếu họ có giết được vài con rắn hổ mang nhỏ thì một phần lớn những con già dặn có kinh nghiệm, những cựu chiến binh cỡ Hêrinh sẽ trốn trong tổ của mình một cách an toàn.
Vào đúng ngày dọn dẹp ấy, một nhóm đàn ông và thanh niên đến trang trại vào khoảng ba giờ. Họ được trang bị bằng đủ thứ vũ khí, gậy gộc, dùi cui, dây xích… Nối liền nhau thành một hàng ngang, họ cào tất cả các bụi rậm, la hò, dậm chân. Những người đi đầu cảm thấy an toàn trong những chiếc ủng cao. Họ quần trong hai giờ rồi tiến sang lãnh địa của người khác. Những tiếng ồn ào lắng xuống.
Gơrêi có vẻ mệt mỏi nhưng bình tĩnh, cô chưa bao giờ đòi hỏi nhiều ở cuộc sống và bây giờ bất ngờ nhận ra một điều là mình hoàn toàn tự do điều khiển thời gian, tiền bạc và tình cảm của mình. Đặc biệt là cái cuối cùng.
Moócli cũng cảm thấy thoải mái hơn. Ông biết rằng mối quan hệ tốt đẹp của ông và Gơrêi sẽ nhanh chóng khôi phục, ông sẽ cố gắng cảnh giác và giữ gìn cô khỏi những tên đào mỏ. Trước khi Lăng xuất hiện, một vài kẻ xung quanh đây đã ngấp nghé, ngoại trừ viên thanh tra thì trong bọn chúng không có kẻ nào xứng đáng làm chú rể cho một cô dâu dù không lấy gì làm đẹp đẽ như Gơrêi. Nhưng dù sao thì cả viên thanh tra cũng không có khả năng thể hiện những ưu điểm của mình. Mankôm Lăng trẻ hơn và dĩ nhiên có phần nào đẹp hơn đã chặn mất đường của ông ta. Viên thanh tra Doixơn bây giờ đã có vợ. Viên thiếu úy nghĩ đến điều đó với một niềm vui ác độc. Nào, cứ thử tiến lại gần coi, những thằng hề. Bây giờ thì ông đã biết ông phải mạo hiểm cái gì và ông sẵn sàng thọc gậy vào bánh xe, chiến đấu không khoan nhượng. Cho đến tận những phương pháp bẩn thỉu nhất nếu thấy cần thiết.
Sáng hôm sau buổi dọn dẹp, Moócli hơi thấy ngạc nhiên và lo lắng khi viên thanh tra bước lên – Có chút việc riêng, ông ta giải thích khi yêu cầu Gơrêi ở dưới.
– Chào anh, – viên thiếu úy nói với vẻ ngoài bình thản. Có việc gì làm anh lại phải đến đây vậy?
– Vấn đề là ở chỗ, – viên thanh tra nói, cặp mắt màu sáng của ông ta trượt khắp phòng rồi dừng lại ở cánh cửa tủ tường – tôi đã tìm thấy một vật hết sức thú vị trong khi dọn dẹp. Những người cùng làm không nhận ra điều gì cả, còn tôi thì vẫn nghĩ xem vì cớ gì mà con rắn lại cắn một người say nằm ngủ trong ghế bành.
Moócli cảm thấy trong người tất cả như bị siết chặt lại. Nhưng khuôn mặt ông ta vẫn không hề thay đổi, như ông ta nghĩ.
– Nhưng anh biết không – ông ta kéo dài – động vật không sống theo quy luật của chúng ta. Một vài cậu bé nào đấy ngồi trong phòng thí nghiệm cho rằng những con rắn phải hành động như thế này, nhưng có ai giải thích cho những con rắn biết điều ấy đâu. Đúng không nào? Anh thường ra ngoài thiên nhiên chắc anh cũng thấy bọn động vật chúng làm nhiều điều không giải thích nổi.
– Nhưng có một điều chúng không thể nào làm nổi là đeo cho mình một cái thắt lưng – Câu trả lời hết sức khô khan – Chúng tôi đã tìm thấy một tấm da rắn còn tươi, chắc chỉ mới một hay hai ngày trước, trời trừng phạt tôi nếu tôi nói sai, trên người nó còn một mạng lưới quấn rất chặt, một khúc dây cước để câu cá dày như để câu cá mập vậy. Tôi nghe người ta nói rằng, anh là một thợ câu chuyên nghiệp với những dụng cụ như vậy.
Tim viên thiếu úy đập loạn cả lên, rất xấu, điều ấy là rất xấu.
– Anh muốn nói điều gì vậy? – Ông ta hỏi, cố gắng giữ giọng nói của mình bình thường.
– Tôi chỉ nghĩ là nếu như bây giờ tôi ghé nhìn vào cái tủ kia thì tôi sẽ tìm thấy phần còn lại của một cần câu, dường như nó bị đứt.
Moócli muốn nổi khùng lên, dù khuôn mặt của ông ta không thay đổi. Ông thật là một thằng ngốc. Hêrinh bị kích động. Bất cứ một thằng ba hoa nào đó cũng phải nghĩ ra là con rắn có thể thay bộ da của mình. Việc thực hiện kế hoạch đáng ra có thể hoãn đến lần sau được. Nhưng làm sao ông có thể biết trước rằng sợi dây cước sẽ đứt. Chẳng qua là một sự không may mắn, một trường hợp mà không một sự đề phòng nào có thể giúp ích.
– Và điều đó sẽ đặt tôi vào tình thế như thế nào? – Ông hỏi thẳng, mắt nhìn vào Doixơn – Tôi bị bắt phải không? Anh tính làm gì?
– Tôi biết rằng tôi cần phải làm gì – viên thanh tra nói, lời nói lấp lửng của ông ta làm Moócli sợ hãi còn hơn nỗi sợ hãi khi cảm thấy nguy hiểm một phút trước đây.
– Em gái của anh là một phụ nữ tuyệt vời, – Doixơn nói – Quả thực sẽ là một đòn nặng nề với cô ấy nếu sau cái chết của Lăng, anh bị kết án vì tội giết người. Cô ấy có thể mất cả anh nữa. Số phận của anh nằm trong tay tôi. Phải, mà cô ấy thì thật là một người phụ nữ dễ thương, và đây là một trang trại tốt nữa. Có lẽ anh không biết tin rằng tôi và vợ đã li dị nhau – Ông ta nhìn lên trần nhà một cách buồn phiền – ngay từ đầu chúng tôi đã không hợp nhau lắm.
Viên thiếu úy im lặng mặc dù ông ta đang cảm thấy một mong muốn khủng khiếp thực hiện một vụ giết người mới. Sau đó, ông ta nói một cách bình thản:
– Gơrêi tất nhiên là một người tốt. Nhưng tôi sợ rằng cô ấy sẽ không lấy chồng lần nữa. Cô ấy sẽ muốn được tự do.
– Nếu anh nói thêm vào một hai lời giùm tôi – Doixơn nói – Cô ấy sẽ nghĩ lại. Tôi không phải là Lăng. Sống với tôi sẽ hết sức dễ chịu. Đồ ăn ngon và một sự chú ý chăm sóc, đó là tất cả những gì mà tôi cần, khi đó tôi là một người dễ thương nhất trên đời. Cô ấy luôn nghe lời anh. Nếu anh tán thành một ai đó thì người ấy sẽ trở nên dễ thương trong mắt Gơrêi – Ông ta một lần nữa lại ngước mắt nhìn lên trần nhà – Lúc ấy có rất nhiều người đuổi theo những con rắn, nhưng không ai chú ý đến một cái lưới bắt cá. Còn nếu nghĩ cho kỹ không có đạo luật nào lại cấm người ta bắt rắn bằng lưới cá. Sẽ không có một vấn đề nào trong chuyện ấy. Người ta thì không bao giờ chống lại anh rể cả – bà vợ sẽ không thích điều đó. Tất nhiên – ông ta hạ cặp mắt xuống nhìn vào Moócli – tôi sẽ giấu bộ da ấy vào một chỗ chắc chắn. Những bộ da rắn không giữ được rất lâu. Để sau đó thỉnh thoảng khi nhìn vào bộ da ấy trong đầu sẽ xuất hiện một ý nghĩ mới mẻ nào đó, rằng anh ta đã bỏ lỡ một điều gì đó. Tất nhiên điều đó không nhất thiết phải xảy ra, nhưng trong việc giết người thì khoảng cách thời gian không bao giờ có ý nghĩa gì cả. Vậy tôi nói rồi đấy, nếu anh nói phụ cho tôi một tiếng với Gơrêi…
– Tôi sẽ nói với cô ấy trong một hai ngày tới… – viên thiếu úy nói một cách u ám.
– Tuyệt vời – Doixơn sáng rỡ hẳn lên – Cần phải nói thêm rằng tôi cũng thích uống rượu như Lăng. Nhưng uống đến mức không còn biết gì hết và ngủ ngay dưới cửa sổ của anh thì tôi không làm đâu. Ngoài ra, tất cả những dụng cụ câu cá của anh tôi sẽ giữ dưới nhà. Bây giờ anh chẳng còn cần đến nó nữa, mà tôi thì luôn luôn mơ ước những bộ dây câu, cần câu thật tốt. Vậy thôi, thật là dễ chịu khi được tán dóc một chút còn bây giờ tôi xuống nhà đây. Gơrêi đang nướng bánh táo.
Moócli hằm hằm nhìn theo ông ta. Kết quả của tất cả những cố gắng của ông ta hóa ra chỉ là việc thay đổi công sự cho một vụ mới.
Hết