Trên thế giới trong ngành trang sức và đá quý thì các loại đá giả được phân biệt thành 2 nhóm chính bao gồm: đá tổng hợp (Synthetic Stone, Man-Made Stone) hoặc đá nhái (Simulant Stone).
Đá tổng hợp là các loại đá có thành phần vật chất, tính chất hóa lý, một số tính chất ngọc học giống đá tự nhiên, ví dụ như: Kim cương tổng hợp theo phương pháp CVD, HPHT hoặc Ruby Sapphire tổng hợp theo phương pháp Verneuil, Chatham… Trong khi đó đá nhái có thể là đá tự nhiên hoặc tổng hợp có vẻ bên ngoài giống với đá tự nhiên, nhưng thành phần vật chất hoàn toàn khác.
Kim cương tự nhiên rất quý và giá rất cao nên từ lâu các loại đá nhân tạo như Synthetic Cubic Zirconia (CZ); YAG (Ytrium Aluminum Garnet); GGG (Gadolium Gallium Garnet) hoặc Mossanite đã được dùng để nhái kim cương (chúng khác với kim cương nhân tạo CVD, HPHT). Trong các loại đá nhái kim cương kể trên thì CZ là phổ biến, thông dụng nhất.
Chính vì sự phức tạp, đa dạng và rất dễ nhầm lẫn giữa các loại đá tự nhiên, cũng như các loại đá tổng hợp hoặc đá nhái có giá trị thấp hơn rất nhiều lần khi nhìn bên ngoài nên các tổ chức giám định đá quý ra đời nhằm xác định chính xác tên loại đá (hoặc phân cấp đối với kim cương) và xác định nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo cũng như cách xử lý nếu có.
Vì tính chất của việc giám định phải độc lập, khách quan và chính xác nên họ không được quyền tham gia vào mua bán và định giá trên thị trường mà chỉ được hưởng một mức lệ phí phù hợp đã được công bố trước. Đây là cơ sở cho việc mua bán được minh bạch cũng như góp phần lành mạnh hóa thị trường đá quý vốn phức tạp. Bản thân giá trị của viên đá trước cũng như sau khi giám định sẽ tuân thủ theo quy luật thị trường trên nguyên tắc thuận mua vừa bán.
Trong trường hợp các loại đá tổng hợp như CZ, YAG, GGG, Mossanite… theo thông lệ quốc tế sẽ không phân cấp chất lượng và trong các tài liệu, các khuyến cáo từ các tổ chức uy tín quốc tế như: Viện Đá quý Mỹ (GIA) tên đá phải nên công bố đó là đá tổng hợp (Synthetic) nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tránh sự nhầm lẫn.
Tại Việt Nam, từ lâu đá CZ đã được biết đến một cách rộng rãi với cách gọi thông dụng: “Xoàn + tên nước” (xoàn theo cách gọi thông thường để chỉ kim cương) hoặc “Hột + tên nước” hoặc đơn giàn chỉ là hột CZ do chúng được sản xuất để nhái kim cương. Ví dụ như xoàn Mỹ, xoàn Thái hoặc hột Australia, hột CZ.
Giá cả các loại hột CZ cũng rất khác nhau tùy theo chất lượng nguyên liệu và cắt mài. Tuy nhiên gần đầy xuất hiện loại hột CZ có chất lượng cắt mài đẹp hơn, chuẩn hơn loại cũ và được giới kinh doanh gọi là “Hột cao cấp”. Có thể chính vì mức độ cắt mài chuẩn xác hơn sẽ làm cho chi phí thành phẩm của hột CZ cao cấp cao hơn. Tuy nhiên các thông tin như “tuyệt vời như kim cương”, “độ bền như kim cương”… chỉ là các thủ thuật quảng cáo sản phẩm nhằm thu hút người dùng.
Để người tiêu dùng hiểu rõ nguy cơ có thể gây nhầm lẫn với “kim cương nhân tạo”, Trung tâm giám định đá quý Sacombank-SBJ mong muốn đóng góp trong việc minh bạch hóa thị trường đá quý đã tiến hành giám định chính xác tên khoa học của đá CZ cùng với nguồn gốc nhân tạo.
Bên cạnh đó, với đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, Sacombank-SBJ sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến tất cả các loại đá quý tự nhiên cũng như nhân tạo nhằm giúp khách hàng yên tâm khi mua sắm.
(Nguồn: Sacombank – SBJ)
Thám tử VDT Hà Nội