Công ty thám tử tư VDT
Nguyên tác: THE JAILHOUSE LAWYER
trích từ Legal Briefs
PHILLIPS M. MARGOLIN
bản dịch của Hải Ngữ
Người điều khiển chương trình ghé miệng sát vào máy vi-âm:
– Tôi là Lyle Richmond và quý vị đang nghe chương trình mạn đàm về đêm của bản đài. Vị khách đặc biệt hầu chuyện với quý vị tối hôm nay là một người đàn ông cao 6 5, với khuôn mặt khôi ngô được phủ bởi mái tóc muối tiêu gợn sóng, đôi mắt xanh trong vắt như biển khơi và quai hàm vuông vắn đầy vẻ nam tính. Tôi nghĩ cần phải nói thêm là ông ta đội mủ nĩ, thắt cà-vạt đúng mốt và dận đôi giày da kiểu cao bồi miền hoang dã. Nói đến đây thì chắc hẳn quý vị cũng đoán được vị khách quý của chúng tôi là ai rồi. Đó là luật sư biện hộ tội ác Monte Bethune. Quý vị cũng còn nhớ là một tuần trước đây, luật sư Bethune đã biện hộ cho bà Thống đốc Iowa Leona Farris được tha bổng, người đã bắn chết ông chồng trước hàng triệu con mắt thiên hạ trên màn ảnh vô tuyến.
– Kính chào luật sư Monte!
– Cám ơn ông đã mời tôi đến.
– Có phải bộ đồ vía này đem đến may mắn cho ông trong vụ bào chữa bà Farris?
– Tôi cũng mong như vậy, Lyle. Đúng ra bà Farris được tha bổng phải là công trạng của bồi thẩm đoàn, những người đã vén được bức màn bí mật để thấy rõ đâu là sự thật.
– Tôi nghĩ rằng chính ông đã vén bức màn để giúp bồi thẩm đoàn thấy được sự thật?
– Cám ơn ông!
– Thính giả của bản đài rất vinh dự khi được biết ông dừng chân tại thành phố của chúng tôi trên tuyến đường xiển dương cuốn hồi ký của ông, Sự Biện Hộ Tuyệt Hảo. Cần nhắc lại là quý vị có thể gặp trực tiếp luật sư Bethune vào ngày mai tại tiệm sách Benson s góc đường Comstock và Vine từ 3 giờ đến 5 giờ chiều.
– Vâng! Nếu quý vị muốn có chữ ký của tôi thì xin đến đó vào ngày mai.
– Cuốn hồi ký của ông được độc giả đón tiếp nồng nhiệt chứ?
– Cuốn Sự Biện Hộ Tuyệt Hảo được xếp hạng thứ tư trong danh sách những cuốn bán chạy nhất vào Chủ nhật này.
– Xin chúc mừng ông. Và tôi có thể nói rằng cuốn hồi ký của ông xứng đáng đứng trong danh sách đó. Nội dung thật tuyệt vời.
– Cám ơn ông lần nữa. Thật ra tôi viết cuốn hồi ký để phác họa cho độc giả thấy những gian lao mà người luật sư phải trải qua trong những vụ án lớn lao.
– Ông đã thành công trong việc đó. Những trang sách diễn tả vụ án ông thắng hãng Dental Pro 40 triệu Mỹ kim làm tôi theo dõi toát cả mồ hôi.
– Các thân chủ của tôi xứng đáng được bồi thường. Mà tôi cũng may mắn khi khám phá ra hãng Dental Pro đã dùng những nguyên liệu mang tính phóng xạ để chế tạo răng giả.
– Ông đứng cãi trước toà với những tay luật sư sừng sỏ khác trông oai phong lắm.
– Oai phong gì, thưa ông Lyle. Bên kia họ luôn luôn có những luật sư tài ba làm tôi xính vính trong nhiều vụ án đấy chứ.
– Ông nói làm tôi chợt nhớ đến miền hoang dã xa xưa ở đất nước này. Những tay súng ” dê non húc càn” cứ gọi những tay thần xạ ra thử tài để nổi tiếng. Ông là tay thần xạ đã hạ đo ván chúng ngay khi tay vừa rờ đến báng súng.
– Thưa ông…, không hẳn như thế đâu. Tôi cũng thua nhiều vụ án quan trọng khác. Những vụ đó tôi đều ghi lại trong cuốn hồi ký cả.
– Vụ án siết cổ ở Chicago phải không?
– Vâng, ông còn nhớ vụ đó hả. Tôi hoàn toàn bị khuất phục bởi một tay luật sư thông minh trẻ tuổi.
– Thế có phải là Everett Till không?
– Vâng! Đương kim Thống đốc tiểu bang Illinois. Lần nào gặp nhau anh ta cũng cám ơn tôi về vụ kiện đó. Chỉ vì thắng được kiện mà từ đó bước đường hoạn lộ của anh ta lên như diều gặp gió.
– Thua kiện đối đầu với Till là vụ thảm bại nhất trong sự nghiệp bào chữa của ông phải không?
– Ồ! Câu hỏi khó trả lời quá, ông Lyle.
– Sao lại khó trả lời! Hay là ông còn những vụ khác cũng gay cấn không thua gì vụ Everett.
– Thì cũng đúng…Everett là luật sư sắc sảo, biến tiến thoái, dàn binh bố trận không thua gì một vị tướng ngoài mặt trận nhưng đó không phải là vụ thảm bại đau đớn nhất trong cuộc đời sự nghiệp của tôi.
– Cái gì? Vụ đó nổi tiếng cả nước đều biết nên tôi nghĩ đó phải là một thất bại chua cay nhất chứ.
– Ông nói cũng đúng nhưng người đã thắng tôi một cách vẻ vang lại là không phải một luật sư. Hắn ta là một tên tội phạm thì đúng hơn.
– Ông nói sao? Hắn là một tên tội phạm?
– Nói ra càng thêm xấu hổ nhưng sự thật là thế. Trước tiên hắn là một can phạm, vớ được một cuốn sách luật rồi tự học trong thời gian ở tù; mãi về sau này hắn tự đứng ra biện hộ cho chính hắn mà không cần luật sư do chính phủ chỉ định (public defender). Tôi gọi hắn là luật sư can phạm.
– Thế hắn là một tên vô lại?
– Đúng! Nhưng là một tên vô lại rất thông minh sắc sảo.
– Vậy thì chuyện này phải ly kỳ lắm. Tôi đoán có lẽ ông không kể lại trong cuốn hồi ký Sự Biện Hộ Tuyệt Hảo của ông?
– Ông đoán giỏi lắm! Chắc thính giả cũng thông cảm cho tôi. Sở dĩ tôi không kể lại trong cuốn hồi ký vì vụ kiện này là một bài học thương đau cho chính cá nhân tôi. Mỗi khi nghĩ đến tôi đều cảm thấy tự hổ thẹn. Tôi thua là vì tôi khinh địch, hơn nữa tôi vẫn không ngờ một tên tội phạm lại có thể mưu trí đến thế.
– Nếu có thể xin luật sư kể cho thính giả bản đài nghe câu chuyện ly kỳ này được không? Chắc chắn mọi người, kể cả tôi đều nóng lòng muốn biết làm thế nào mà tên tội phạm đó lại có thể hạ gục một tay luật sư lừng danh như ông!
– Ông nói đến thế thì tôi đành kể vậy. Vụ này xảy ra khi tôi mới bước vào nghề còn non tay, loại ” ếch ngồi đáy giếng” nhưng cứ nghĩ mình tài giỏi lắm rồi.
– Xin ông bắt đầu cho.
*
* *
*
Chuyện như thế này. Tôi còn nhớ là chuyện xảy ra vào năm 1970. Tôi vừa mới ra trường được bốn năm, trong đó có hai năm thực tập và được bổ làm luật sư quận hạt Portland, Oregon trong một nhiệm kỳ hai năm. Thời gian đó, ông còn nhỏ nên chắc không nhớ những hỗn loạn của ngày tháng này. Cuộc chiến ở Việt Nam đang leo thang dữ dội hơn bao giờ. Đâu đâu người ta đều nói đến cuộc chiến ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh, nơi mà con em họ đang hy sinh đổ xương máu. Rồi hội kín Black Power được thành lập, chuyện Bobby Kennedy và chuyện mục sư Martin Luther King bị ám sát. Phong trào phản chiến chống đối nổi lên khắp nơi, gây náo loạn trên đường phố. Ông thấy đó, cả xã hội Mỹ này lúc đó đang lên cơn sốt nhưng ở quận hạt Multnomah lại yên lành hơn bao giờ, nơi tôi chịu trách nhiệm về những vụ xe cán chó, chó cán xe chán ngắt…, đại khái những vụ như lấy cắp đồ trong tiệm, lái xe khi say rượu, và những vụ tầm phào khác.
Tôi lại chuyện trị những vụ liên quan đến luật lưu thông nên tôi được giao vụ Tiểu Bang Oregon kiện chống Tommy Lee Jones. Đây là tuần lễ chán đời nhất vì sau những trận chiến thắng vẻ vang tôi bị thua liên tiếp hai vụ kiện, toàn là vụ lái xe say rượu và tôi cần phải thắng hơn bao giờ. Tự ái của tuổi trẻ không cho phép tôi thua thêm một vụ kiện nào nữa, ít ra là trong tuần này. Tôi tự nhủ là phải thắng, phải vận dụng mọi kinh nghiệm và tài năng để thắng vụ kiện này. Và thật trời đã giúp tôi khi nghe tin thằng cha Tommy Lee sẽ chính thức đối đầu với tôi, nghĩa là hắn không cần luật sư; hắn tự bào chữa cho hắn. Ông còn nhớ câu ca dao truyền khẩu ” luật sư bào chữa cho mình, khác nào con điếm giữ trinh ngàn vàng” chứ? Chuyện phường chèo, ông hiểu không? Chẳng bao giờ luật sư lại đi tự biện hộ cho chính mình trước tòa. Luật sư chính gốc đã không làm vậy thế mà cái thằng can phạm Tommy Lee tài năng được bao nhiêu lại cả gan dám tự đứng ra biện hộ cho hắn thì thật là gấp mấy lần chuyện phường tuồng. Hay là thằng này nghĩ hắn là Perry Mason muốn đánh bại một luật sư lừng danh như tôi ở quận hạt này để được nổi tiếng bất ngờ. Nếu thế thì tôi phải cho hắn một bài học để đời.
Phòng toà thuộc viên chánh án Arlen Hatcher nằm trên lầu ba của tòa Pháp đình Quận Multnomah. Một toà nhà uy nghi đứng sững sững chiếm nguyên cả một dãy phố tại trung tâm thành phố Portland. Chánh án Hatcher trước đây là một luật sư chuyên về tố tụng vừa mới được bổ nhiệm vào chức vụ tư pháp cách đây tám tháng. Trước mặt vị chánh án là hai chiếc bàn dành cho bên nguyên và bên cáo. Tommy Lee nằm trườn ra trên ghế một cách vô lễ. Hắn là người da đen, đen thuần chất. Bộ đồ tù màu cam bạc màu trùm từ đầu đến chân cọng với chùm râu dê mọc tua tủa dưới cằm trông hắn dữ tợn hơn bao giờ. Nếu hắn có một luật sư biện hộ thì chắc chắn vị luật sư đó sẽ khuyên hắn đến toà với một bộ đồ tươm tất hơn và ít ra hắn phải cạo bộ râu dê quái đản đó đi. Hắn đã không có tiền để mướn luật sư lại ngạo mạn từ chối người luật sư cãi thí (public defender) mà toà chỉ định. Thế thì hắn phải chết gục trong phiên toà này.
Vừa thấy tôi bước lên đứng ngang hàng ở phía bàn bên nguyên cáo, hắn ngồi bật dậy, chõ mồm sang phía tôi:
– Ê! Thằng súc vật, toà chỉ định mày tới đây để kết tội tao hả?
Tôi đâu dễ nổi giận vì một câu nói miệt thị của một thằng tội phạm được. Tôi nhìn sang hắn và miệng nở một nụ cười, nụ cười của tay đồ tể trước khi vung con dao tử thần.
Một viên lính giữ tù gằn giọng khuyến cáo:
– Ngồi yên, Tommy Lee!
Quý vị thính giả chắc cũng ngạc nhiên vì Tommy Lee chỉ bị bắt về tội lái xe khi say rượu mà sao lúc nào bên cạnh cũng có hai người lính giữ tù, võ trang tận răng, mắt dán chặt vào hắn theo dõi nhất cử nhất động. Lý do rất dễ hiểu là hai tháng sau khi bị truy tố về tội say rượu lái xe tại Portland, hắn bị bắt giữ ngay vì một trát toà từ Newark, New Jersey về tội sát nhân. Sau phiên xử này, hắn sẽ bị dẫn độ về New Jersey – cách Oregon khoảng 3000 dặm – để trả lời về một cái chết mà công tố viện ở Newark có đủ bằng chứng để buộc hắn vào tội sát nhân.
Một nhân viên toà án gõ nhẹ cái búa gỗ xuống bàn và viên chánh án Arlen Hatcher thình lình xuất hiện. Ông Hatcher cao, to, bước đi hơi khập khiễng. Hai má hõm sâu, đôi mắt hẹp, cặp môi mỏng, cong quặp vào phía cằm mỗi khi ông mở miệng bác bỏ lời phản đối của luật sư. Những lúc đó, mọi người trong toà án đều có cảm tưởng như đang đứng trước nanh vuốt của một con chó sói hung dữ. Chánh án Hatcher rất ghét và có cái thú hành hạ luật sư biện hộ. Giây phút sung sướng nhất trong một phiên toà- theo lời ông ta – là lúc tuyên án và thấy tên tội phạm gục mặt xuống nhận bản án trong nỗi tuyệt vọng đồng thời nhìn thấy sự thất bại hằn rõ lên khuôn mặt của tay luật sư biện hộ.
Tôi biết tính viên chánh án rất ghét tội ác này nên đứng bật dậy khi ông ta vừa đặt bước chân nặng nề đầu tiên vào phiên tòa. Thế mà thằng Tommy cứ ngồi bình thản; hình như nó không cần biết viên chánh án Hatcher là ai vậy. Vừa ngồi xuống ghế là viên chánh án đưa ngay đôi mắt sắc như dao cạo về phía bị can. Thằng này quả thật gan lì, hắn vẫn ngồi trố mắt nhìn Hatcher, dáng điệu gần như thách thức.
Nhân viên toà án nhắc nhở:
– Ông phải đứng dậy khi quan toà bước vào.
Đến lúc này hắn mới vươn vai đứng dậy, mắt hắn vẫn không rời viên chánh án. Mẹ cha cái thằng này, nhìn dáng điệu rềnh rang người kiên nhẫn nhất cũng muốn tống cho hắn một đạp. Hình như hắn cố ý chọc giận mọi người. Chờ khi hắn đứng thẳng người, tôi nêu vụ án và chánh án Hatcher ra lệnh nhân viên toà án cho gọi bồi thẩm đoàn vào. Và đây là điểm dại dột nhất của Tommy, hắn dõng dạc:
– Tôi không cần bồi thẩm đoàn!
Viên chánh án không tin ở tai mình:
– Cái gì? Ông nói sao?
– Bồi thẩm…bồi thẩm cái mẹ gì! Dẹp cha nó cái màn bẩn thỉu đó lại đi! Một thằng quan toà súc vật cọng với sáu con cừu phát-xít thì chẳng có lợi gì cho tao cả. Dẹp đi, không cần bồi thẩm cái con mẹ gì hết.
Mặt viên chánh án tím ngắt. Ông gằn giọng, nói rõ từng tiếng một:
– Ông có bao giờ nghe đến tội xúc phạm quan toà chưa? Muốn biết hình phạt ra sao hả, chỉ cần ông có đủ can đảm nói hai chữ ” súc vật” thêm một lần nữa thôi, tôi bảo đảm sẽ chỉ bảo cho ông tường tận…
Viên chánh án khó tính này thường gọi những can phạm da đen là ” boy” nhưng từ khi bị Toà án Tối cao tại Oregon khuyến cáo, ông ta đành phải bỏ cái lối gọi trịch thượng đó. Mặc dù ông không còn thành kiến với những tên tội phạm da đen nhưng trong phiên toà này tôi có cảm giác viên chánh án Hatcher rất có ác cảm với Tommy. Một điểm bất lợi khác khi Tommy tự đứng ra bào chữa trước toà là hắn không biết gì về luật lệ cũng như tính nết của viên chánh án Hatcher.
Hatcher lập lại:
– Ông hiểu rằng hiến pháp bảo đảm cho ông có một bồi thẩm đoàn để xét xử chứ? – Ông cũng hiểu là hiến pháp cũng cho tôi có quyền không cần bồi thẩm đoàn chớ?
Tôi thấy rõ ràng Hatcher đang cố thu đôi mắt nhỏ lại không để ánh mắt vui mừng đang loé sáng quá lộ liễu. Niềm hân hoan hiện rõ trên đôi môi đang vén lên nửa chừng cũng bị giữ lại trông méo mó một cách buồn cười. Viên chánh án đang cố gắng đè nén nỗi sung sướng khi thấy Tommy hoàn toàn giao phó số mạng của hắn vào đôi tay hộ pháp của ông, đôi tay nổi tiếng bóp chết tức tưởi những tên tội phạm bằng những bản án tối đa. Tôi còn tưởng tượng đến Hatcher đang ngồi lẩm nhẩm đếm con số ngày tháng mà lát nữa đây ông sẽ dõng dạc đọc lên cho thằng Tommy nghe.
– Vậy thì được! Tất cả rõ ràng lắm rồi. Nào, ông Bethune, đã sẵn sàng chưa? Xin ông bắt đầu ngay cho.
Nhân chứng duy nhất trong vụ này là cảnh sát viên Marty Singer thuộc ty cảnh sát Oregon. Đó là một người to lớn, dáng kềnh càng như con bò mộng, luôn tận tâm với nghề nghiệp, tính tình hiền lành và rất mực thành thật. Anh ta đã là nhân chứng trong nhiều vụ kiện về xe cộ trước đây và khi đặt tay lên cuốn Thánh kinh để thề nói sự thật, Marty nói với hết cả trái tim chân chính. Một đôi lần, sở cảnh sát bị thua kiện chỉ vì tính quá thật thà của anh, tính ” ruột ngựa” , loại người ” có sao nói vậy người ơi!” , không hề biết thêm thắt, cho mắm cho muối vào những sự kiện. Tuy vậy tôi vẫn chọn Marty làm nhân chứng vì bồi thẩm đoàn rất tin tưởng vào những lời khai của anh.
Marty thề xong, khoan thai ngồi xuống. Tôi bắt đầu vẽ lại khung cảnh ngày hôm đó – ngày 8 tháng 2 năm 1970 – khi Marty, viên cảnh sát giao thông, đang tuần tiễu trên đường phố Portland. Tôi hỏi Marty rằng anh có bắt giữ ai đêm hôm đó tại downtown thành phố Portland vì tội lái xe bất cẩn hay không?
Marty ngồi ngay ngắn, hắng giọng rồi chững chạc lên tiếng:
– Lúc 9:35 tối hôm đó, tôi đang tuần tiễu trên đường Salmon gần đường số Ba thì thấy một chiếc xe hơi chạy ngoằn nghoèo với tốc độ khá cao. Tôi hú còi rượt theo nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục chạy loạng choạng cả mấy dãy phố rồi mới chịu dừng.
– Thế anh làm gì sau khi xe ngừng?
– Khi cả hai xe ngừng hẳn, tôi mở cửa xe và tiến lại về phía tài xế. Việc đầu tiên tôi yêu cầu anh ta trình bằng lái xe. Trong khi anh ta đang lắc lư cố móc cái bằng lái xe, tôi bỗng ngửi thấy mùi bia rượu phà thẳng vào mũi tôi. Mùi rượu cộng với việc lái xe bất cẩn khiến tôi tin chắc rằng anh ta đang lái xe dưới ảnh hưởng của nồng độ rượu. Vì thế, tôi yêu cầu anh ta bước ra khỏi xe.
– Thế anh có bắt tài xế làm thử một vài động tác để xem anh ta có say rượu hay không?
– Có chứ!
– Anh có thể nói rõ thêm anh đã yêu cầu người tài xế làm gì?
– Tôi bắt anh ta bước trên một đường thẳng, đếm ngược từ 100 xuống zero và lập lại nhiều chữ mà ngay cả những người tỉnh táo cũng khó nói cho suôn sẻ.
– Kết quả ra sao?
– Ồ! Tôi ngạc nhiên lắm vì anh ta làm theo những yêu cầu của tôi một cách trôi chảy, không vấp váp. Chính vì thế mà tôi chỉ phạt anh về tội lái xe bất cẩn thay vì lái xe dưới ảnh hưởng của rượu.
Tôi hỏi thêm:
– Anh Marty, anh có xem kỹ bằng lái xe của đương sự không?
– Thưa ông có.
– Tên người trên bằng lái xe là ai?
Marty bình tĩnh:
– Bobby Lee Jones.
Tim tôi đập hụt đi một nhịp:
– Marty…, ý anh muốn nói là Tommy Lee Jones, phải không?
Tôi lập lại tên của bị cáo để viên cảnh sát giao thông có cơ hội sửa lại cái tên mà anh vừa nêu lên trước toà nhưng hình như anh ta hơi bối rối về cái tên.
– Tôi…tôi nghĩ…đó là Bobby Lee Jones…
Rồi khuôn mặt anh ta sáng lên rạng rỡ:
– …nhưng sau đó đương sự tự xác nhận là Tommy Lee Jones.
– Sau đó…
– Đúng! Khi tôi tuyên bố bắt giữ đương sự.
– Người tài xế xác nhận anh ta là Tommy Lee Jones?
– Vâng! Đương sự nói là mượn bằng lái xe của người em mà không xin phép.
Tôi thở ra một hơi dài và đưa tay chỉ về phía bị cáo:
– Đó có phải là người lái xe anh bắt giữ vào đêm mùng 8 tháng 2 năm 1970?
Trong suốt phiên tòa kể từ khi tôi gọi tên vụ án, lần đầu tiên Tommy Lee rục rịch cử động. Hắn vươn vai ngồi thẳng dậy và nhìn trừng trừng về phía viên cảnh sát giao thông dáng điệu gần như thách thức Marty dám nhận diện hắn hay không? Marty ngần ngừ, giọng đứt quãng:
– Vâng!…tôi nghĩ… chính hắn.
Nếu một phiên toà tiến hành bình thường, nghĩa là Tommy Lee Jones có luật sư biện hộ thì chắc chắn tôi bị thua kiện trong vụ án này chỉ vì lời nói thiếu quả quyết của nhân chứng then chốt Marty. May mắn cho tôi là viên chánh án Hatcher vẫn phóng những tia mắt ác cảm về Tommy kể từ khi ông ta bị hắn gọi là ” quân súc vật” . Cho dù Marty có nói người tài xế hôm đó là một thằng cha căng chú kiết nào đó thì cũng chẳng ăn nhậu gì đến quyết định đã có sẵn trong đầu của viên chánh án. Chính vì thế mà tôi tin chắc rằng vụ án này tôi sẽ thắng, không những thắng mà còn thắng một cách vinh quang nữa kia chỉ vì ông chánh án đã có ác cảm với thằng Tommy.
– Thế anh có tạm giam bị cáo hay không?
– Không! Thưa ông chỉ vì hắn rất lễ độ và hoàn toàn hợp tác với nhân viên công lực. Tôi ghi giấy phạt và báo cho bị cáo ngày giờ phải có mặt trước toà án lưu thông rồi tôi hắn thả cho hắn đi.
– Câu hỏi cuối, thế trước khi trình diện trước toà vì tội lái xe bất cẩn, chuyện gì xảy ra để bị cáo lại bị bắt giam?
– Vâng! Bị cáo bị bắt giữ trước ngày trình diện toà chỉ vì một trát toà về tội sát nhân tại New Jersey.
Những người hiểu về luật lệ tại toà án đều biết ngay có điều không ổn khi đề cập đến vụ giết người tại New Jersey. Cái sái phép trầm trọng ở chỗ xử về tội lái xe bất cẩn mà bị can lại bị bắt giữ vì một tội sát nhân xảy ra ở một nơi khác. Nếu Tommy có luật sư biện hộ, chắc chắn viên luật sư đó lên tiếng đây là vụ xử án trái phép (mistrial) và xin tuyên bố bãi bỏ phiên toà. Nhưng sự đời là thế, chính Tommy lại muốn đứng ra tự biện hộ không cần luật sư nên hắn phải chấp nhận hậu quả về quyết định của chính hắn. Ngồi ở phía dưới, tôi cũng thoáng thấy nét bút của viên chánh án viết vội trên giấy hai chữ ” sát nhân” rồi ông ta khoanh tròn hai chữ đó nhiều vòng. Cuối cùng, viên chánh án Hatcher đưa đôi mắt phóng ra những tia lửa về phía Tommy.
Nhìn sự việc đang xảy ra hoàn toàn có lợi cho bên nguyên cáo, tôi phất tay thoả mãn:
– Phần nguyên cáo chấm dứt.
Bây giờ đến phần bị cáo phản án, nghĩa là thủ tục bác bỏ sự kết tội của nguyên cáo. Một luật sư tầm thường non tay nhất cũng biết bắt đầu từ chuyện nhận diện của Marty, viên cảnh sát giao thông, và dễ dàng chuyển ngược thế cờ để thắng vụ kiện. Nhưng Tommy lại tiếp tục vấp phải những sai lầm không thể tha thứ được. Trước hết, hắn vênh vênh cái bộ mặt cô hồn làm chánh án Hatcher thêm ngứa mắt. Tiếp theo hắn gầm gừ phóng tia mắt hăm dọa về phía nhân chứng. Sau cùng, hắn nhục mạ nhân viên công lực Marty bằng những lời lẽ đê tiện:
– Cha nội, có phải cha chận cái thằng tài xế lại, mà chắc chắn là không phải tao, rồi nói rằng đưa 50 đồng tiền mặt thì tha cho đi không?
Marty mặt đỏ bừng khi bị vu khống. Anh ta là người ngoan đạo lại theo học lớp dạy Thánh kinh hàng tuần. Nói Marty hối lộ thì cầm bằng đem bắn anh ta chết vẫn nhân đạo hơn. Không bao giờ Marty làm những điều sai trái như thế. Anh thẳng thắn chối:
– Ông đừng đặt điều, không bao giờ có chuyện đó xảy ra.
– Không năm chục thì cha đòi thằng tài xế phải trả bao nhiêu?
Viên chánh án lúc này mới lên tiếng. Ông liên tiếp gõ cây búa gỗ xuống bàn, trợn mắt nhìn Tommy:
– Tôi cấm ông không được nhục mạ nhân viên công lực. Câu nói của ông cần phải có bằng chứng.
Tommy có vẻ nhượng bộ, nhưng giọng nói của hắn vẫn còn hằn học:
– Anh nói rằng anh bắt giữ tên tài xế vào đêm mùng 8 tháng 2 năm 1970?
Marty điềm tĩnh gật đầu.
– Thế tối hôm đó anh có uống nhiều rượu hay mắt quáng gà không?
Viên chánh án lại tức giận đập búa xuống mặt gỗ:
– Chỉ cần một câu hỏi láo xược nữa thì tôi sẽ ghép ông vào tội xúc phạm toà. Đây là một nhân viên công lực gương mẫu, yêu cầu ông tỏ thái độ kính trọng ông ta.
Tommy Lee đứng bật dậy như lò xo:
– Tôi không cần tỏ thái độ kính trọng một thằng ngu như bò đã khai man trước toà là có bắt giữ tôi trong khi tôi chẳng hề có mặt tại hiện trường.
Hai bàn tay hộ pháp của người lính giữ tù chộp lấy vai của Tommy đè hắn ngồi ngược xuống ghế. Chánh án Hatcher lắc lắc đầu tỏ vẻ mất bình tĩnh. Tôi ngồi rung đùi thú vị nhìn hoạt cảnh đang diễn ra trước mắt. Cứ mỗi chữ hắn nói ra là một nhát cuốc đào sâu vào mộ huyệt mà chính tôi sẽ là người xúc miếng đất cuối cùng để chôn vùi thằng khốn nạn.
Đột nhiên giọng Tommy nhỏ hẳn lại, vẻ mặt trông hoà hoãn hơn trước:
– Làm sao anh biết chắc chắn tôi là người anh chận xe lại đêm hôm đó?
Marty đã lấy lại được bình tĩnh, giọng nói nghe chắc nịch:
– Tôi nhớ rõ chính là ông!
– Anh có biết là mấy thằng da đen như bọn tôi đứa nào trông cũng gần giống nhau hay sao?
Marty tức giận:
– Tôi rõ ràng nhận diện được ông đêm hôm đó. Tôi dư khả năng để phân biệt ông với một người da đen khác.
Tommy Lee hỏi một câu mà một sinh viên trường luật năm thứ nhất đều biết là phải nên tránh:
– Có phải là anh đã bắt giữ thằng em tôi, Bobby Lee, người đã dối trá khai tên tôi với anh không?
Cứ mỗi lần hắn bắt Marty xác nhận người tài xế là mỗi lần hắn tạo cơ hội cho viên cảnh sát tái xác quyết rằng chính Tommy Lee là người bị bắt giữ đêm hôm đó. Marty lắc đầu khẳng định:
– Ông chính là người tôi bắt giữ, ông Tommy Lee Jones.
Tommy quay hẳn người lại phía sau, chỉ tay vào một người đàn ông da đen đang ngồi đầu dãy ghế giữa phòng:
– Có phải hắn là người anh bắt giữ không?
Marty nhìn chăm chăm vào người đàn ông. Mái tóc hắn cắt ngắn, hớt tỉa gọn gàng, cằm nhẵn bóng. Người đàn ông ăn mặc bộ đồ vest ba mảnh, áo sơ-mi bằng vải lụa mát dịu, cổ đeo cà-vạt màu hạt dẻ. Trông hắn lịch sự chứ không bẩn thỉu như Tommy. Marty không một chút ngần ngừ:
– Đây không phải là người đàn ông tôi bắt giữ. Chắc chắn là không!
Tommy Lee chống chế:
– Anh vẫn ngoan cố với câu chuyện hoang đường là anh đã bắt giữ tôi vào đêm mùng 8 tháng 2 năm 1970, ngay cả sau khi anh đối diện với người đàn ông này?
– Tôi tin chắc là tôi không bao giờ lầm, chính ông là người tôi chận xe lại.
Đến đây thì mọi việc đã rõ như ban ngày. Bản án chắc chắn như đinh đóng cột. Tommy không thể nào thoát tội lái xe bất cẩn. Hắn phải nhận án tù và có thể bị treo bằng lái. Tôi chưa thấy một đối thủ nào ngây thơ và dại dột như Tommy, vậy mà điệu bộ của hắn cứ vênh vênh váo váo xem trời bằng vung trông càng phát ghét. Đúng như dự đoán, chỉ cần nửa phút sau khi hắn thở dài ảo não ngồi phịch xuống chiếc ghế bị cáo, viên chánh án Hatcher dõng dạc tuyên án…
*
* *
*
– Tôi vẫn chưa hiểu rõ, thưa luật sư. Nghe ông kể đến đây thì rõ ràng ông đã đập nát đầu tên Tommy rồi chứ! Thế ông thua đậm ở chỗ nào?
Luật sư Bethune thở dài:
– Thì tôi cũng thấy như vậy. Cái mưu trí của hắn là ở chỗ đó. Tôi còn nhớ là ra khỏi phiên toà hôm đó, vừa bước đi vừa cười tủm tỉm một mình. Tôi long trọng báo tin vụ thắng kiện cho các đồng nghiệp vào bữa ăn trưa và chúng tôi phá lên cười thích thú. Chưa bao giờ tôi ăn ngon miệng đến thế. Nhưng Tommy mới là người đang cười tôi, vì hắn đã lừa tôi, lừa cả chánh án Hatcher và toàn thể nhân viên toà án một trận đích đáng.
*
* *
*
Tôi gặp lại Tommy Lee ba tuần sau ngày hắn bị tuyên án về tội lái xe bất cẩn. Vì được giao phó những vụ giải giao nên tôi trở lại toà. Đang khi chờ đợi, tôi nghe nhân viên toà án gọi tên Tommy Lee về việc dẫn độ hắn trở lại New Jersey vì tội sát nhân. Đây cũng là nhiệm vụ của tôi ngày hôm nay. Người lính giữ tù dẫn hắn vào, đúng là hắn, cũng với bộ đồ màu da cam sờn vải nhưng lần này thái độ của hắn khác hẳn – hoàn toàn khác hẳn. Vừa thấy tôi, hắn vội vã chìa tay ra, giọng thật lễ độ:
– Chào ông Bethune, ông khoẻ chứ? Ông giỏi quá, ông đã hạ tôi đo ván trong phiên toà mấy tuần trước. Thôi, thua ông cũng chẳng xấu hổ gì!
– Không dám, ông Jones, tôi chỉ làm nhiệm vụ của tôi thôi. Tôi chẳng có thù hằn cá nhân gì với ông cả. Tôi cũng mong ông thông cảm.
– Tôi hiểu chứ! Xin ông cứ yên tâm.
Viên chánh án Cody chủ toà ngày hôm đó. Tôi nêu trường hợp của Tommy cần phải được dẫn độ về New Jersey theo lời yêu cầu của viên chánh án tại Newark để tiến hành thủ tục truy tố Tommy về tội sát nhân. Căn cứ vào kinh nghiệm những vụ dẫn độ mấy năm nay, tôi tin chắc là Tommy sẽ xin ở lại Portland nhưng mọi người kinh ngạc khi nghe hắn đồng ý được dẫn độ trở lại New Jersey để bị xét xử về tội giết người.
Chánh án Cody hỏi lại lần nữa:
– Ông chắc chắn là muốn giải giao đến New Jersey, phải không?
Tommy cúi đầu, lễ phép:
– Thưa ngài, đúng như thế!
Chánh án gõ nhẹ búa xuống mặt gỗ, gật đầu.
Đó là lần cuối cùng tôi thấy Tommy Lee.
Nhưng đó không phải là lần cuối cùng tôi nghĩ về hắn. Tôi hầu như muốn xua đuổi cái tên Tommy ra khỏi tâm trí nhưng thái độ lịch sự và nhã nhặn bất thường của hắn như mũi kim châm châm vào óc làm hệ thống thần kinh của tôi cứ giật lên bần bật. Linh tính báo cho tôi biết có một cái gì đó không bình thường. Hai thái độ hoàn toàn khác biệt trong hai phiên toà. Từ cách ăn nói đến cách bước đi cũng khác hẳn. Cái gì đã làm cho hắn thay đổi? Tôi tin chắc hắn không phải là người biết phục thiện. Hắn có thể thay đổi nhưng không thể nào thay đổi nhanh chóng đến thế! Chỉ vọn vẹn có ba tuần mà hắn đã trở thành con người hiền lành, chân thực. Cứ như thế, hình ảnh của Tommy Lee lẩn quẩn mãi trong đầu óc tôi không dứt ra được. Cái tên Tommy của hắn đi ngang nhiên vào những giờ làm việc, đâm sầm vào bữa ăn thường ngon miệng, và ghim thẳng vào cả giấc ngủ vốn rất thanh thản của tôi từ bấy lâu nay. Suốt ngày, thời khoá biểu của tôi bị xáo trộn chỉ vì cái tên Tommy Lee. Để chấm dứt sự khủng hoảng – nếu kéo dài tôi có thể bị điên không chừng – tôi dứt khoát là phải khám phá cho ra sự thay đổi lạ lùng đó và đúng hai tuần sau, tôi choáng váng khi tìm thấy cái mưu trí của hắn.
Tommy Lee và người đàn ông da đen ăn mặc lịch sự ngồi trong toà ngày hôm đó đúng là hai anh em. Hai lối ăn mặc khác nhau là để mọi người thấy được nét tương phản giữa hai loại người và dĩ nhiên dễ tin vào lời của nhân chứng Marty đồng thời dễ bác bỏ lời biện hộ của Tommy. Có phải viên cảnh sát giao thông Marty đã bắt giữ Bobby Lee Jones? Hoặc giả chính Tommy bao che cho thằng em tự nhận lấy tội? Giả thuyết này xem chừng hợp lý vì Bobby Lee là một người đàn ông lịch sự, loại người thành công trong xã hội, còn Tommy là thằng anh với một lý lịch tội phạm dài lê thê. Với cái lý lịch xấu xa đó thì hắn có nhận thêm cái tội lái xe bất cẩn nữa thì cũng chẳng hại gì. Đúng lắm! Chắc hẳn là thế. Thằng anh Tommy vì tình huynh đệ nên nhận tội để giữ lý lịch thằng em khỏi bị hoen ố. Mẫu người như Bobby Lee Jones không thể có một tỳ vết nào trong đời, cho dù chỉ là tội lái xe bất cẩn. Tôi bằng lòng với lối giải thích này. Bỗng nhiên tôi có đôi chút cảm tình với Tommy Lee vì sự hy sinh của hắn. Trong một thoáng, tôi thấy lòng ấm hẳn lại…
Nhưng một hồi chuông cảnh tỉnh vẫn vang lên đâu đó trong tâm thức của tôi nghe rõ mồn một. Với những năm kinh nghiệm ở pháp đình, tôi vẫn thấy lấn cấn một cái gì đó trong lối giải thích gần như gượng ép. Đột nhiên một ý tưởng loé lên trong trí, lởn vởn rồi sửa soạn tan biến. Tôi nhắm mắt, tập trung tư tưởng, cố bắt trọn cái ý vừa mới nhú lên trong trí. Ngay khi vừa nắm bắt được nó, tôi bỗng hình dung ra mọi chuyện; tất cả rõ ràng như hai với hai là bốn và tôi đưa vội hai bàn tay vuốt từ lồng ngực trở xuống bụng đè nén cái cảm giác buồn nôn đang dâng lên ào ạt. Nếu không nhanh tay, ngậm miệng và nuốt vội một luồng hơi xuống đan điền, có lẽ tôi đã nôn mửa thốc tháo ra những gì nằm trong bụng…
Hồ sơ dẫn độ Tommy đang nằm ở văn phòng phía bên kia. Tôi chạy vội sang mở toang cửa tủ. Hai tay tôi run bần bật khi cầm xấp hồ sơ giải giao của Tommy. Miệng cứ lẩm nhẩm cầu mong tôi nghĩ sai nhưng trong thâm tâm tôi lại đoan chắc tôi không đoán lầm. Trong khi đọc trát tòa đòi giải giao Tommy về New Jersey, tôi hình dung lại phiên toà ngày hôm đó, khi Tommy Lee chỉ tay vào Bobby Lee và hỏi Marty Singer: Anh vẫn ngoan cố với câu chuyện hoang đường là anh đã bắt giữ tôi vào đêm mùng 8 tháng 2 năm 1970, ngay cả sau khi anh đối diện với người đàn ông này? Và tôi vẫn nhớ rõ ràng câu trả lời của Marty: Tôi tin chắc là tôi không bao giờ lầm, chính ông là người tôi chận xe lại.
Ông mường tượng được vụ án mạng chứ, ông Lyle? Vụ án mạng xảy ra tại New Jersey, cách Oregon 3000 dặm, nguyên cả một chiều dài của nước Mỹ. Vụ án mạng mà công tố viện ở Newark tin chắc tên sát nhân chính là Tommy Lee. Thưa ông, theo hồ sơ giải giao thì vụ án mạng đó xảy ra vào đúng đêm mùng 8 tháng 2 năm 1970.
Công ty thám tử tư VDT – Cong ty tham tu tu VDT