Sau nhiều ngày thuyết phục, Tuấn Anh mới đồng ý cho tôi xem nhật ký thám tử với điều kiện giấu mặt, đổi tên. Nghề thám tử cần bí mật. Nhật ký của họ ghi lại đầy rẫy chuyện oái oăm nhưng lại thật đến khó ngờ trong cuộc sống.
“Máu” điều tra sự thật
Tuấn Anh dặn tôi khoác áo gió, đeo khẩu trang, kính mắt gọng to khi vào một chung cư mới xây ở Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy (Hà Nội) dù tôi không bị cận. Khi ra về chỉ mặc sơmi, cởi áo gió nhét vào túi xách. Đây là “mánh” nhỏ để người soi camera an ninh không chú ý đến khách của anh.
Chưa kịp bắt tay, Tuấn Anh ra hiệu cho tôi ngồi, chốt cửa, rồi đanh giọng yêu cầu tôi:
– Bên ông phải cam kết giấu mặt, giấu tên cho tôi. Đây là nguyên tắc nghề thám tử.
Tuấn Anh từng làm cho một công ty thám tử nổi tiếng hơn chục năm trước, sau ra mở văn phòng luật sư riêng. Anh nói vì cái “máu” muốn tìm ra sự thật khiến những “hợp đồng thám tử” cứ đeo mãi lấy anh.
Nhiều khách hàng thỏa thuận điều tra, thu thập chứng cứ, thế là anh “đá” thêm mảng thám tử từ nghề luật. Tuấn Anh xốc lại các mối quan hệ, tìm thêm người, chủ yếu chọn người có tố chất và có “máu” điều tra. Sau 5 năm, hơn trăm người thử việc chỉ còn dăm người trụ được nghề. Còn lại anh tìm cộng sự làm việc theo thỏa thuận.
Hợp đồng chủ yếu liên quan đến dân sự, đôi khi lấn sang hình sự. Khách tìm đến thám tử là những người có tiền, có địa vị hoặc có cả hai. Họ chi vài chục triệu đồng có khi chỉ cần biết con cái mình đang làm gì, có giao du với đám bạn hư không? Hoặc bỏ cả đống tiền thuê thám tử tìm lại một đồ vật kỷ niệm.
– Mảng theo dõi ngoại tình kiếm tiền rất tốt, ngón này dễ, mấy chú choai choai mới ra trường cũng làm được, đăng quảng cáo đầy trên mạng. Nhưng làm thám tử là điều tra cái khác, khó hơn và có ý nghĩa với xã hội hơn – Tuấn Anh khẳng định.
Người luật sư lắm nghề này lấy ví dụ các vụ gài bẫy “tóm” được tên “người nhện” chuyên trèo tường ăn trộm đồ trong biệt thự, hành trình theo dấu vết của tay bợm nhậu lấy xe máy của bạn từ Hà Nội vào Đà Nẵng để… nhậu với bạn khác. Hay mùi mẫn hơn là chuyện tình đẫm nước mắt của một cô người mẫu xinh đẹp trót yêu một nick ảo trên mạng…
– Tôi nói lại nhé! Giấu mặt, giấu tên để tôi còn làm ăn – Tuấn Anh lại nhắc tôi.
Bí mật phát hiện năng lực thám tử là cứ đọc… nhiều bài quảng cáo của họ. Nếu trang web nào đăng quá nhiều các vụ đánh ghen, ngoại tình, truy tìm “con giáp thứ 13” thì coi chừng. Những thám tử này hoặc mới vào nghề, hoặc mang danh nghĩa thám tử để kiếm tiền. Theo dõi ngoại tình, đối tác làm ăn hoặc theo dõi con cái đang là mảng hốt bạc.
Bình quân loại hợp đồng này có thời hạn một tuần hoặc 10 ngày. Giá cả cũng tùy vào độ khó. Dữ liệu thân chủ cung cấp cho thám tử càng nhiều giá càng rẻ. Ngược lại càng ít manh mối, giá càng cao. Tuy nhiên, trung bình khoảng 7 triệu đồng cho một tuần theo dõi.
Con mắt nhà nghề
Thám tử “có nghề” làm việc dựa vào uy tín là chính. Kín đáo hơn, làm việc khó và ít khi nhận những hợp đồng tủn mủn. Hơn 5 năm trước, Tuấn Anh cũng theo một vụ điều tra hành tung của một đại gia. Người vợ nghi ngờ ông chồng “tòm tem” với người yêu cũ nên tìm đến anh. Thấy vụ này đơn giản, Tuấn Anh giao cho mấy thám tử mới vào nghề theo dõi, ghi lại bằng chứng.
Sáu ngày theo dõi, kết quả bằng không. Ông chồng vẫn đi xe máy đến công ty, dựng gọn gàng rồi vào công sở. Hết giờ dắt xe ra về. Đọc báo cáo nhật ký, Tuấn Anh linh cảm người này có vấn đề. Anh quyết định vào cuộc.
Đợi đến ngày đi làm, chiếc xe máy của ông chồng dựng ngay ngắn trong nhà xe, thám tử mới nhờ người gọi điện vào số máy bàn của công ty. Nhân viên báo là ông chồng có việc, đi công tác. Chiếc xe vẫn dựng ngay ngắn ở nơi ai cũng có thể nhìn thấy. Tuấn Anh kể người làm điều tra có con mắt rất nhạy cảm. Họ nhớ rất nhanh những điểm đặc biệt của đối tượng. Nắm được thói quen và cũng biết cách để người khác bộc lộ thói quen ấy.
Tuấn Anh càng giải thích lại càng kích thích bệnh nghề nghiệp vốn rất tò mò của tôi.
Anh ta đặt chồng hồ sơ đầy bụi trước mặt tôi:
– Đọc đi, có đủ bằng chứng, hình ảnh, clip. Cuộc đời này nhiều câu chuyện rất éo le. Chồng hồ sơ này cũng chỉ là một phần trong hơn chục năm đeo đuổi sự thật tôi còn giữ lại được. Bốn lần chuyển văn phòng, ba lần chuyển đổi loại hình công ty, sổ sách không giữ lại được nhiều. Có những vụ việc tôi buộc phải lưu hồ sơ để làm bằng chứng “giữ miếng” cho mình. Có vụ việc khách hàng thỏa thuận phải cung cấp đầy đủ cho họ bằng chứng gốc. Cả những sự việc động trời, nhóm thám tử “sống để bụng, chết mang theo”.
Tôi lật vội vài trang, ngấu nghiến đọc. “Ngày… tháng… năm… Cuộc gọi từ đầu số 0893.421.x.x.x, trạm phát sóng BTS HNI 4.x.x (Hà Nội) – Nghi vấn: N.N.T. vẫn ở Hà Nội, khu vực Đền Lừ, Hoàng Mai… 17h ngày… tháng… năm… một cô gái đến quán ốc, đi một mình, đeo kính, tóc để tự nhiên, không nhuộm, lưng hơi gù, trùng đặc điểm nhận dạng…”.
Tuấn Anh kể đó là vụ nhóm thám tử tìm lại được cô con gái “rượu” bỏ nhà đi biệt tích hai năm. Gia đình rất giàu có, người cha nghiêm khắc, gia trưởng, thường quát nạt, mắng mỏ người vợ. Cô bị trầm cảm rồi bỏ nhà đi, sống một mình hai năm để “không muốn nhìn thấy bố mẹ cãi nhau”.
Gia đình ấy đã đoàn tụ, cô gái tiếp tục học đại học rồi ra trường, có một gia đình hạnh phúc. Người cha cô gái ngày đó ký hợp đồng thám tử nhưng không hi vọng tìm được con. Ông ấy còn cho rằng công ty thám tử cung cấp địa chỉ giả để lừa tiền. Đến khi hai cha con gặp nhau trong phòng trọ, người cha nghiêm khắc ôm chặt đứa con gái tội nghiệp mới tin là thật. Ông thưởng thêm cho công ty thám tử một món kha khá.
Nghề thám tử đôi khi hốt bạc nhưng cũng nhiều vụ chịu lỗ. Chi phí bỏ ra để đeo bám, điều tra nhiều hơn trong thỏa thuận hợp đồng. Cũng có những vụ bỏ dở hợp đồng, chấp nhận bồi thường. Tay luật sư lắm chiêu cho rằng bỏ hợp đồng không phải vì không làm được mà vì những phát sinh trái với lương tâm. Hay gặp nhất là các vụ tìm bằng chứng “ông ăn chả, bà ăn nem” để khách hàng có lợi khi ra tòa ly hôn.
“Tình cảm đã hết, người ta sẵn sàng bỏ tiền để thuê người khác “đẩy” sự việc thành mức nghiêm trọng hoặc gài bẫy đối phương. Làm thám tử phải xuất phát từ cái đam mê đi tìm sự thật chứ không chỉ vì tiền”