Chuyện bị chiếm dụng lại tiền như trường hợp của Hải chỉ là một trong 1.001 chuyện vui buồn trên bước đường “phá án” của các “thám tử”. Thực tế, do cái nghề đặc biệt này chưa được pháp luật công nhận nên hoạt động của “thám tử” gặp rất nhiều trở ngại…
Chân dung một thám tử
Sài Gòn tháng 5.2006, trong một góc tầng trệt quán cà phê Zenta trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM, Hải “Long An” – một cascadeur bản lĩnh mà Thanh Niên đã giới thiệu trong loạt bài Cascadeur phá án – say sưa kể cho chúng tôi những câu chuyện đầy tính trinh thám mà chính anh đã trải qua.
Sinh năm 1977 ở Long An, cha là một võ sư nên Hải đến với võ đường khá sớm và khi trưởng thành đã tinh thông võ thuật gia truyền. Năm 1994, Hải lên TP.HCM luyện thi đại học, rồi trở thành sinh viên Trường ĐH Bách khoa. Lúc này, hoàn cảnh kinh tế gia đình sa sút, anh phải vừa học vừa làm, kiếm tiền trả học phí và sinh hoạt. Và Hải đến với “nghề thám tử” cũng từ đó…
“Phi vụ đầu tiên em làm cho một người nước ngoài ở Tân Bình, thuê theo dõi bà vợ người Việt mà ông nghi là có bồ. Ông này nghe đâu là tổng giám đốc công ty gì lớn lắm, lúc đó đã có máy ảnh kỹ thuật số đưa cho em để ghi hình vợ ông ta khi đang gặp “đối tác”. Em nhận phi vụ này là thông qua một người quen, biết em có võ, lại đang là sinh viên cần tiền nên anh ta giới thiệu” – Hải kể. Nhận việc rồi, đêm về Hải nằm nghĩ kế mới thấy mình… liều. Bà vợ ông tổng giám đốc thì thường xuyên đi taxi hoặc Dream, “thám tử” thì chạy xe… đạp. Vì thế, ngày đầu Hải chỉ bám theo đối tượng được vài trăm mét là mất dấu. Lần sau, Hải rủ thêm người bạn có xe gắn máy vào cuộc. Sau gần một giờ cưỡi xe máy chạy lòng vòng ngoài phố, nhân vật cũng tấp vào một nhà hàng sang trọng gần chợ Tân Bình.
Rắc rối lại xuất hiện, vì khách ra vào nhà hàng toàn người sang trọng, còn hai “thám tử” ăn mặc xuềnh xoàng kiểu… sinh viên, mới dợm chân vào cửa đã bị bảo vệ “hỏi thăm”. Thêm vài lần xác định đúng địa điểm đối tượng thường gặp “đối tác”, hai “thám tử” dàn cảnh… đánh nhau để Hải chạy vào nhà hàng và thừa cơ ghi hình cuộc gặp gỡ giữa bà vợ ông tổng giám đốc và “đối tác”.
Hải bây giờ đã là Giám đốc chi nhánh Công ty bảo vệ B.A, dưới tay có đến 300 nhân viên. Ngoài công việc kinh doanh và đóng thế những cảnh nguy hiểm trong phim, anh còn là một “hiệp sĩ” đường phố, không ít lần ra tay bắt cướp trên đường.
Vui ít, buồn nhiều
Dù chưa được pháp luật công nhận, nhưng trước nhu cầu có thật của xã hội, các “thám tử” – vệ sĩ vẫn ngày đêm vào cuộc. Giám đốc một công ty vệ sĩ ở Phú Nhuận kể, công ty của ông mỗi tháng nhận được cả chục lời đề nghị theo dõi, tìm người thân, đối thủ… “Phải xem xét thật kỹ xem vụ việc có vi phạm luật pháp hay không. Lằn ranh giữa hợp pháp và phi pháp trong những vụ việc này rất mong manh. Khi mình nhận theo dõi một người, thường là vợ nhờ theo dõi chồng, chồng nhờ theo dõi vợ, bố mẹ nhờ theo dõi con… nếu không cẩn thận sẽ bị khép vào tội xâm phạm đời tư của người khác. Thực tế, không phải vụ nào tụi tui cũng nhận” – ông giám đốc nói. Có lẽ từ thực tế này, hầu hết các công ty đều dặn rất kỹ các “thám tử” chỉ được tác nghiệp tại những nơi công cộng.
Các công ty vệ sĩ khi nhận hợp đồng làm “thám tử” luôn nhận thức rất rõ việc mình đang làm. Vì vậy, chẳng có hợp đồng nào ghi rõ công việc họ đang làm, mà luôn ẩn dưới dạng một công việc khác, thậm chí có khi chỉ là hợp đồng… miệng. Mà chuyện đời cái gì đã không bút tích thì khó rạch ròi, trong đó thiếu rạch ròi nhất là tiền bạc. Trường hợp của Hải, ngoài vụ Công ty T.G “xù” một phần tiền, anh còn nhiều lần bị đối tác “xù” tiền bằng đủ mọi cách. Có lần một phó giám đốc của một bệnh viện lớn ở TP.HCM, vì không muốn con trai (cũng là một bác sĩ) yêu cô y sĩ cùng khoa, đã tìm đến công ty vệ sĩ nhờ theo dõi và… ghi hình. Sau khi “hợp đồng” được ký kết, vị phó giám đốc nghĩ lại tiếc khoản tiền hơn chục triệu, liền nói thật với con trai là đang có “thám tử” theo dõi. Vậy là hằng ngày từ nhà đến cơ quan, anh con trai thường xuyên cảnh giác, đi ngược chiều để phát hiện và “cắt đuôi”, khiến “thám tử” phải tự xin bỏ hợp đồng. Nhưng, vụ bực mình nhất là một người bạn đến nhờ B.A tham gia phát hiện hàng giả. Chỗ quen biết lâu năm, Hải nhiệt tình vạch ngay kế hoạch “phá án”, từ đưa “thám tử” đi bỏ hàng, cài “thám tử” vào cơ sở sản xuất hàng giả thông qua những điểm nhóm làm hàng giả thường bỏ mối… Nghe xong kế hoạch, anh bạn hứa hẹn “khi nào giám đốc công ty đi nước ngoài về sẽ mời sang ký hợp đồng”. Nhưng lời hứa gió bay, sau đó chẳng có hợp đồng nào được ký kết. Tìm hiểu mới biết, chính “ông bạn vàng” đã dùng kế hoạch do Hải phác thảo rồi cho nhân viên công ty tự làm.
Việc bị chiếm dụng tiền dù sao cũng còn đỡ hơn việc bị… ăn đòn. Thường những vụ việc khi đã đến tay “thám tử” đều là vụ khó, trong khi “thám tử” cũng chẳng có công cụ hỗ trợ nào khi hành nghề mà chủ yếu dùng trí tuệ, kinh nghiệm và phản ứng nhanh lẹ… Trong một lần theo dấu vết của một “trùm” xã hội đen ở quận 4, Hải đã phải trổ hết tuyệt chiêu để hạ bốn đàn em tên này theo bảo vệ phía sau mới thoát thân. Còn Huân và hai vệ sĩ Công ty N.L trong một lần theo dõi các xe tải chở quá tải bị nhà xe phát hiện. Khi xe đến một đoạn đường vắng ở đại lộ Nguyễn Văn Linh, bất ngờ có một nhóm gần chục thanh niên đi trên xe gắn máy ào tới, tay lăm lăm ống tuýp sắt, gậy tre tấn công 3 vệ sĩ tay không…
M.Đ – H.N
Theo thanhnien.com.vn